Khoa học

Chỉ số đổi mới sáng tạo là công cụ điều hành, quản lý nhà nước hiệu quả      

Cà Mau

Đây là hội nghị đầu tiên của tỉnh thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia tập trung thảo luận, trao đổi sâu nội dung quan trọng có vai trò làm "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau năm 2024.

Quang cảnh Hội nghị. 
Ảnh: Kim Há – TTXVN

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Cà Mau xác định là một động lực chính, nền tảng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Với ý nghĩa đó, lần đầu tiên Cà Mau tổ chức hội nghị bàn giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) của tỉnh

 

Sự kiện được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 16/10.

Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Kim Há - TTXVN

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Phan Tấn Thanh nhấn mạnh, hội nghị là dịp tỉnh tăng cường gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong đánh giá thực trạng, tiềm năng để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, góp phần nâng cao điểm số, thứ hạng Chỉ số PII của tỉnh. Ông mong muốn các chuyên gia tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhằm giúp địa phương nhanh chóng cải thiện, nâng cao Chỉ số PII trong thời gian tới.

Theo kết quả Chỉ số PII năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố ngày 12/3/2024, Cà Mau đạt 30,52 điểm, xếp thứ 50/63 trên cả nước, xếp thứ 12/13 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Học Viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Kim Há - TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Học Viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhấn mạnh, kết quả trên là cơ sở khoa học để tỉnh đánh giá tổng quan mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời phân tích điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng cần được khai thác, phát huy trong thời gian tới.

Với góc nhìn của nhà nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa cho rằng, bộ Chỉ số PII cung cấp bức tranh thực tế, đa chiều, cho thấy điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học - kỹ thuât và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Chỉ số thành phần nào đó thấp không hẳn đã là sự yếu kém, mà có thể chỉ là đặc điểm bình thường của địa phương. Do đó, việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải mục đích chính của bộ chỉ số, bởi mỗi địa phương có điều kiện, đặc điểm, định hướng phát triển khác nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học, Công nghệ - Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trao đổi, phân tích sâu nội dung đổi mới sáng tạo và chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, định vị PII trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hàm ý cho Cà Mau trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời lưu ý đến nhóm chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo (thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường và của doanh nghiệp) và nhóm chỉ số đầu ra (sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo). Nếu địa phương định vị và có giải pháp thực hiện theo từng cấp độ đổi mới sáng tạo sẽ tạo chuyển biến tốt về kết quả xếp hạng chung.

Cà Mau có nhiều lợi thế, dư địa để tạo chuyển biến mạnh mẽ chỉ số thời gian tới. Tuy nhiên, tỉnh còn một số hạn chế trong đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo..., chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế hiện có. Tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, có giải pháp đẩy nhanh cải thiện và nâng cao Chỉ số PII, coi đây là công cụ điều hành, quản lý nhà nước..., ông Nguyễn Hữu Xuyên chia sẻ./.

 

Quách Kim Há

Tin liên quan

Xem thêm