Hội nhập

Chìa khóa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình

Nhờ chú trọng vào công tác huấn luyện tiền triển khai kết hợp với huấn luyện tại thực địa, Việt Nam đã trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các lực lượng, đạt nhiều thành tựu.

Kể từ năm 1948, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã triển khai tới 72 phái bộ trên thế giới, 12 phái bộ trong số đó vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay. Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần tích cực ngăn ngừa xung đột và chiến tranh giữa các quốc gia, bảo vệ người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em tại khu vực xung đột.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam quán triệt nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia diễn tập về gìn giữ hòa bình. 
Ảnh: TTXVN phát

Với tinh thần "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014. Theo Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, trong mười năm qua, nhờ chú trọng vào công tác huấn luyện tiền triển khai kết hợp với huấn luyện tại thực địa, Việt Nam đã trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các lực lượng triển khai tới địa bàn, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đáp ứng yêu cầu Liên hợp quốc đặt ra cũng như đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đa dạng tại phái bộ cũng như an ninh an toàn về con người và thiết bị.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân Việt Nam cho biết, trên cơ sở những kết quả, kinh nghiệm có được, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổng kết 10 năm công tác huấn luyện về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời chỉ ra những bất cập, thiếu sót còn tồn tại để tìm ra phương hướng, biện pháp khắc phục phù hợp.

Cụ thể, các hoạt động tổng kết, đánh giá chính bao gồm: Đánh giá vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình đặt trong hệ thống công tác huấn luyện chung của Quân đội nhân dân Việt Nam, phối hợp với các đối tác quốc tế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc trong việc triển khai lực lượng tới địa bàn; đánh giá công tác chuẩn bị nguồn tham gia huấn luyện, xây dựng nội dung, chương trình và thực hành huấn luyện về chuyên môn, chuyên ngành cho lực lượng công binh, quân y tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và tiêu chí về sức khoẻ cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đánh giá kết quả huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trước khi triển khai lực lượng đến phái bộ, so sánh với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ và đề xuất những nội dung bổ sung, rút kinh nghiệm đối với công tác huấn luyện tiền triển khai...

Để đảm bảo công tác huấn luyện đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, trong suốt những năm qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong Bộ Quốc phòng xây dựng quy trình huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bao gồm: xác định đối tượng, nội dung huấn luyện; xây dựng chương trình huấn luyện khung cho các đối tượng; triển khai xây dựng các kế hoạch huấn luyện dựa trên chương trình khung; tổ chức thực hành huấn luyện; đánh giá, rút kinh nghiệm huấn luyện và tiếp tục quay lại quy trình huấn luyện.

Sau 10 năm tổ chức huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xác định tốt đối tượng, nội dung huấn luyện; bám sát hướng dẫn, yêu cầu của Liên hợp quốc gắn với tuân thủ quy trình tiêu chuẩn của Quân đội nhân dân Việt Nam để xây dựng các chương trình huấn luyện khung, trình cấp có thẩm quyên phê duyệt.

Trên cơ sở chương trình khung được phê duyệt, hằng năm ta đã tiến hành lập kế hoạch huấn luyện và tổ chức thực hành huấn luyện, đánh giá rút kinh nghiệm huấn luyện cho các đối tượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm đạt được mục đích, yêu cầu huấn luyện đề ra.

Trong môi trường quốc tế hiện đang tiềm ẩn những biến động khó lường, yêu cầu nhiệm vụ tại phái bộ ngày càng phức tạp. Môi trường công tác của lực lượng gìn giữ hòa bình luôn đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, công tác huấn luyện cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, trong đó có các chương trình huấn luyện tiền triển khai với trách nhiệm chính thuộc về các nước cử quân. Đây có thể coi là chìa khóa giúp lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại phái bộ; đồng thời góp phần ưu tiên bảo đảm an ninh, an toàn cho các quân nhân của ta trong môi trường khắc nghiệt, tiềm ẩn nguy cơ truyền thống và phi truyền thống trong môi trường gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hiện nay./.

Tin liên quan

Xem thêm