Hội nhập

Chia sẻ các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh

Hội thảo quốc tế về các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh góp phần hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu.

Giáo sư  - Tiến sỹ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: nguồn NEU)

TTXVN - Sáng 23/11, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã khai mạc Hội thảo quốc tế về các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh lần thứ sáu.

Đây là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên nhằm tạo ra một diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành Kinh tế, Quản trị, Kinh doanh có cơ hội để trao đổi, trình bày các công trình nghiên cứu của mình. Hội thảo cung cấp nền tảng cho các cuộc tranh luận về các vấn đề đương đại trong các lĩnh vực nghiên cứu trên, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu. Đồng thời, gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học khu vực và quốc tế.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. (Ảnh: nguồn NEU)

Phát biểu khai mạc, Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Với truyền thống về nghiên cứu và chương trình giáo dục toàn diện, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân coi trọng hoạt động hợp tác học thuật và đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong nước, quốc tế, cùng với đó là các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Hàng năm, chuỗi các chương trình hội thảo và hội nghị quốc tế của trường đã thu hút các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Những chương trình này đã đặt nền móng vững chắc để phát triển sự hợp tác toàn diện, tạo ra nhiều giá trị về nghiên cứu và ứng dụng trong chính sách.

Tại hội thảo năm nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nhận được hơn 150 bài nghiên cứu từ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và giảng viên tới từ Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới như: Australia, Cộng hòa Séc, Canada, Pháp, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi, Vương Quốc Anh... Thông qua đánh giá chặt chẽ về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, hơn 80 bài báo đã được lựa chọn để trình bày trong 22 phiên thảo luận đồng thời ở các lĩnh vực như kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh tế phát triển, kinh tế vĩ mô, marketing, khoa học công nghệ và kinh tế vi mô.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hy vọng, hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách chia sẻ những phát kiến mới nhất và xây dựng đối thoại về các nghiên cứu đang trong quá trình hoàn thiện. Từ những hiểu biết sâu rộng của các diễn giả, các nhà nghiên cứu, hội thảo sẽ cung cấp những kiến thức đầy đủ hơn trong các vấn đề đương đại về kinh tế, quản trị và kinh doanh.

Các nhà khoa học trao đổi với diễn giả tại hội thảo. (Ảnh: nguồn NEU)

Một trong những chủ đề chính được quan tâm tại hội thảo lần này là phần diễn thuyết của Giáo sư Ippei Fujiwara từ Đại học Quốc gia Úc, về "Xây dựng mô hình kinh tế Việt Nam"; Giáo sư Peter J. Morgan, từ Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á với chủ đề "Fintech, tài chính toàn diện và nắm bắt kiến thức tài chính: Những điều chúng ta biết"; Giáo sư Roman Matousek, từ Đại học Queen Mary London, Anh với chủ đề "Sự mong manh của tài chính sau đại dịch COVID-19: Bài học từ các nền kinh tế phát triển".

Theo Giáo sư Roman Matousek, Đại học Queen Mary London, Anh, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra sự bế tắc đột ngột và gần như hoàn toàn trên toàn cầu. Đối với nền kinh tế, lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Do COVID-19, thâm hụt của các Chính phủ đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Đại dịch khiến hệ thống kinh tế phải đối mặt với những tình huống khác nhau và bất ngờ.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, nhiều thị trường đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng" khi phải đấu tranh với tác động lãi suất cao của Mỹ đối với nền kinh tế vốn đã mong manh của họ. Tỷ lệ các nước mới nổi và đang phát triển có chi phí đi vay cao hơn Mỹ tới 10 điểm phần trăm. Chi phí tài chính cao hơn theo thời gian sẽ làm suy yếu thâm hụt tài chính, do đó, các nước sẽ cần phải "thắt lưng buộc bụng" để tránh tỷ lệ nợ tăng cao./.

Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm