Xã hội

Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm

Cần Thơ

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu lương thực và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhưng sản xuất còn đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường, phân phối, thất thoát lương thực - thực phẩm trong chuỗi giá trị, tiêu dùng…


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. 
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ngày 28/10, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Liên minh Đa dạng Sinh học quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế tổ chức hội thảo “Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm từ các hoạt động đào tạo về chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm Việt Nam”. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện nhiều tổ chức trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong đào tạo chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm tại Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Thông qua hội thảo, Trường Đại học Cần Thơ sẽ làm đầu mối phối hợp các bên có liên quan xây dựng tài liệu đào tạo, hợp tác cùng với một số địa phương, viện, trường đại học trong và ngoài nước bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ đào tạo viên về lương thực - thực phẩm bền vững.

Tiến sĩ Hồ Hồng Liên (Trường Đại học Cần Thơ, thành viên Ban Tổ chức) cho biết, Sáng kiến chế độ ăn lành mạnh bền vững thông qua chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm (viết tắt là SHiFT) tại Việt Nam do Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR - quan hệ đối tác toàn cầu đoàn kết các tổ chức quốc tế tham gia nghiên cứu về an ninh lương thực) tài trợ. Sáng kiến nhằm thúc đẩy nhu cầu về chế độ ăn uống bền vững, lành mạnh, bảo đảm cung cấp thực phẩm bổ dưỡng từ quy trình sản xuất bền vững.

Tiến sĩ Elise Talma, Đại học và Trung tâm nghiên cứu Wageningen (Hà Lan) thông tin, hiện nay, hơn một tỷ người trên toàn thế giới không có khả năng chi trả cho chế độ ăn lành mạnh. Chế độ ăn kém chất lượng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy dinh dưỡng và các bệnh không lây nhiễm. Việt Nam là quốc gia đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu lương thực nhưng lại đối diện với thực trạng cảnh báo về chế độ ăn uống không lành mạnh, kém chất lượng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu. 
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nêu thực trạng tại Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu lương thực và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sản lượng nông sản xuất khẩu cao nhưng sản xuất còn đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường, phân phối, thất thoát lương thực - thực phẩm trong chuỗi giá trị, tiêu dùng…

Việt Nam cam kết phát triển bền vững của thiên niên kỷ vào năm 2023. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang đối diện với vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em ở mức cao trên 20%. Đặc biệt, đối với những vùng nông thôn, người dân có cơ hội thấp về tiếp cận với thực phẩm lành mạnh, an toàn. Nguyên nhân được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra gồm: về văn hóa - tập quán, kinh tế, công nghệ, sinh học - môi trường… Do đó, Việt Nam cần một tiếp cận liên ngành, tác động đa mục tiêu để giải quyết vấn đề an ninh lương thực thực phẩm trong tình hình mới, bao gồm cả lương thực thực phẩm lành mạnh - an toàn và an ninh dinh dưỡng. Đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo mọi người tiếp cận được thực phẩm an toàn và dinh dưỡng.

Tiến sĩ Inge Brouwer, Giám đốc sáng kiến Sáng kiến Chế độ ăn lành mạnh bền vững thông qua chuyển đổi hệ thống lương thực – thực phẩm tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Hoàng Ánh Tuyết

Cụ thể, lộ trình hành động giúp Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm có trách nhiệm, bền vững và minh bạch bao gồm: Chuyển đổi sang tiêu dùng bền vững; đẩy mạnh sản xuất bền vững; xây dựng các chuỗi giá trị cạnh tranh, bao trùm và bình đẳng; tăng cường khả năng thích ứng với tổn thương, cú sốc và sức ép.

Bà Inge Brouwer, Giám đốc Sáng kiến chế độ ăn lành mạnh bền vững thông qua chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm tại Việt Nam cho rằng, các giải pháp phải lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Trên cơ sở đó, những đổi mới nhằm cải thiện khả năng tiếp cận, chi trả và chấp nhận chế độ ăn lành mạnh bền vững phải được xây dựng trên mối tương quan giữa người tiêu dùng - đơn vị sản xuất - nhà cung cấp thực phẩm. Đồng thời, lập kế hoạch Chương trình hành động quốc gia về chuyển đổi lương thực - thực phẩm bền vững một cách chi tiết, phù hợp với bối cảnh từng địa phương cụ thể thay vì rập khuôn một hình mẫu cho tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước./.

Hoàng Ánh Tuyết

Tin liên quan

Xem thêm