Đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, liên đoàn, hiệp hội thể thao thảo luận, phân tích, chia sẻ những giải pháp nhằm khai thác tiềm năng của ngành kinh tế thể thao, một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Ngày 22/11, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ Thể thao tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Kinh tế thể thao của Việt Nam và giải pháp phát triển”.
Đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, liên đoàn, hiệp hội thể thao thảo luận, phân tích, chia sẻ những giải pháp nhằm khai thác tiềm năng của ngành kinh tế thể thao, một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Sau hơn 35 năm đổi mới, thể thao Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dù chưa chính thức được coi là một ngành kinh tế, nhưng các loại hình dịch vụ, sản phẩm thể thao đã, đang phát triển, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự có mặt của các thương hiệu lớn về dụng cụ, trang thiết bị thể thao tại Việt Nam là minh chứng rõ nét cho tiềm năng này.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Vũ Thái Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao khẳng định: Kinh tế thể thao tuy còn mới mẻ đối với nhiều người nhưng thực tế đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước châu Âu. Kinh tế thể thao không chỉ cung cấp hàng hóa, dịch vụ, còn tạo việc làm, thu nhập, đóng góp quan trọng vào GDP. Tại Việt Nam, với gần 100 triệu dân và sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, đất nước ta đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển lĩnh vực này thành một ngành kinh tế tiềm năng, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội bền vững.
Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế thể thao. Từ Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư năm 2002, đến Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2011 và gần đây nhất là Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị vào tháng 1/2024, chúng ta đã thấy một chuỗi các chủ trương nhằm thúc đẩy ngành thể thao phát triển mạnh mẽ, không chỉ về mặt thể chất mà còn là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một bước đi quan trọng, nhằm định hình, phát triển mạnh mẽ các loại hình kinh doanh, dịch vụ thể thao; phấn đấu đưa kinh tế thể thao trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ tổng hợp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tái đầu tư cho sự nghiệp thể dục thể thao của đất nước. Các ý kiến đóng góp sẽ giúp hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó tham mưu cho Nhà nước về những giải pháp cụ thể để kinh tế thể thao thực sự trở thành một ngành kinh tế, phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới - Tiến sỹ Vũ Thái Hồng khẳng định.
Các đại biểu dự hội thảo đã tập trung phân tích về chủ trương, chính sách của Việt Nam đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao; nhận diện những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để tạo điều kiện phát triển bền vững. Các ý kiến còn thảo luận về vai trò của các bên liên quan (Nhà nước, doanh nghiệp, vận động viên, người dân); đánh giá mức độ phát triển của thị trường kinh tế thể thao hiện nay và những ngành tiềm năng cần khai thác; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tìm hiểu các cơ hội, thách thức đối với nhà đầu tư trong môi trường kinh tế thể thao mở và chuyển đổi số…/.