Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đóng vai trò rất quan trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của cả nước.
TTXVN - Ngày 19/4, tại thành phố Quảng Ngãi, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) của 19 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, cách làm mới trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình. Đó là phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo cơ chế đặc thù; kinh nghiệm tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; giải pháp thực hiện chính sách và tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu cũng trao đổi một số vấn đề cần quan tâm để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi Trần Văn Mẫn cho rằng, Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” chưa được hướng dẫn cụ thể về hình thức cho vay, định mức vay, thời gian vay và lãi suất vay đối với việc hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều nguồn kinh phí nhưng không thực hiện được.
“Chúng tôi đề nghị, hình thức cho vay này có thể thực hiện theo cách ủy thác cho Ngân hàng Chính sách cho vay. Giống như chính quyền các địa phương đang làm, bố trí nguồn kinh phí, ủy thác ngân hàng Chính sách cho vay. Đối tượng vay tương đối rộng, tạo điều kiện cho sự phát triển”, ông Mẫn nói.
Chia sẻ những khó khăn liên quan đến việc thực hiện Dự án 1 “Hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho rằng: "Năm 2022, các địa phương nằm trong Chương trình đã phê duyệt danh sách đối tượng thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở. Khi đó, các hộ dân này được hỗ trợ vay ngân hàng và vay mượn thêm để xây dựng nhà ở. Đến đầu năm 2023, nhiều hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ không còn nằm trong danh sách hộ nghèo nữa nên hiện chưa nhận được tiền hỗ trợ nhà ở. Điều này khiến địa phương rất lúng túng trong giải quyết chi tiền hỗ trợ cho bà con. Chúng tôi đã có văn bản gửi Ủy ban Dân tộc để có hướng giải quyết và trả lời cho địa phương."
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đóng vai trò rất quan trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của cả nước.
Tuy nhiên, đây là một Chương trình mục tiêu mới, được triển khai trên một địa bàn rộng, tập trung vào nhóm đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế như hiện nay. Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng thẳng thắng nhìn nhận việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương.
Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành mong muốn các địa phương cùng tìm tòi, sáng tạo những cách làm mới, phương pháp hiệu quả để có được những định hướng ban đầu quan trọng cho quá trình thiết kế, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn 2026-2030.
Đồng chí Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Ủy ban ban Dân tộc và các bộ, ngành sẽ sát cánh cùng các địa phương, nỗ lực triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở địa bàn khó khăn. Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì ở địa phương phải nắm sát chương trình, hàng tháng phải có báo cáo theo tiến độ, công việc đã triển khai, kết quả đến đâu, gặp vướng mắc gì để có hướng giải quyết, triển khai hiệu quả chương trình trong thời gian tới./.