Ngày 16/7, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội đàm, chia sẻ kinh nghiệm với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Salavan (Lào) về công tác nhân đạo và tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện.
Ngày 16/7, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội đàm, chia sẻ kinh nghiệm với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Salavan (Lào) về công tác nhân đạo và tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Thị Hiền cho biết, từ năm 2012, đơn vị đã thăm hỏi, tặng quà cho nhiều hộ gia đình người Lào sinh sống ở huyện Ka Lừm, Tù Muồi; xây dựng nhà ở cho người dân khó khăn thuộc tỉnh Salavan, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai tỉnh. Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên đã triển khai chương trình phối hợp với nhiều nội dung hợp tác phong phú, quy mô và hiệu quả ngày về trao đổi đoàn, hợp tác hoạt động nhân đạo, thông tin…
Tại hội đàm, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo về tình hình vận động hiến máu tình nguyện, công tác xã hội và vận động nguồn lực từ năm 2022 đến nay; chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm hoạt động hội đến các bạn Lào. Cụ thể, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp nhận gần 64.000 đơn vị máu, nhờ hoạt động tuyên truyền và các câu lạc bộ ngân hàng máu sống, số người tham gia hiến máu, hiến máu nhắc lại ngày càng cao. Nhiều người đã mạnh dạn đăng ký hiến 350ml máu, hiến tiểu cầu.
Tỉnh hội cũng làm tốt công tác xã hội với các phong trào Tết nhân ái (tổng giá trị hơn 52,5 tỷ đồng), xây nhà tình thương (xây mới 64 nhà và sửa chữa 42 căn nhà), "ngân hàng bò" (phát triển từ 88 con lên 134 con), mô hình sinh kế (tổng giá trị 745 triệu đồng tặng, xoay vòng vốn phát triển sinh kế cho bà con)… Các mô hình, phong trào thiết thực này đã lan tỏa rộng khắp ở tỉnh. Nhiều hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp kịp thời, ổn định cuộc sống.
Theo đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cần xây dựng sớm kế hoạch, chỉ tiêu hiến máu hằng năm trên ý kiến đóng góp của các đơn vị thực hiện để triển khai có hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động của câu lạc bộ hiến máu. Đồng thời, cần vận động đơn vị hành chính địa phương, cơ quan, đoàn thể thành lập câu lạc bộ hiến máu để kịp thời hiến máu trong lúc cấp bách; tôn vinh, khen thưởng kịp thời người hiến máu tình nguyện... Bên cạnh đó, Hội luôn chú trọng đến các hộ khó khăn, giúp họ phát triển kinh tế bền vững; phối hợp các tổ chức (bệnh viện, Hội Phụ nữ, Công đoàn, thanh niên) đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các phong trào lớn nhằm tạo hiệu quả lan toả, kết nối nguồn lực. Các hoạt động nhân đạo, dự án luôn phát triển dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch để tạo sự tin tưởng trong nhân dân.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Salavan Kongsit Unchit cho biết, những kinh nghiệm của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên- Huế là rất quý báu. Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giúp tỉnh Salavan về vật chất, nguồn lực và năng lực hoạt động; đặc biệt là những hỗ trợ kịp thời trong các đợt thiên tai, dịch bệnh; xây dựng 2 căn nhà ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, mô hình "ngân hàng bò" mà Thừa Thiên - Huế hỗ trợ chưa được người dân tỉnh Salavan thực hiện hiệu quả, do điều kiện thời tiết tại địa phương khác biệt, kỹ năng chăn nuôi của người dân còn hạn chế. Dù đạt nhiều kết quả tích cực từ việc học tập kinh nghiệm trong thực hiện hiến máu nhân đạo từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng nguồn máu nhân đạo của tỉnh Salavan vẫn còn khiếm tốn, chủ yếu phụ thuộc vào sinh viên; người dân cần được tuyên truyền, vận động để hiểu hơn ý nghĩa nhân văn của việc hiến máu nhân đạo...
Bà Kongsit Unchit mong muốn thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đẩy mạnh hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân các huyện biên giới tỉnh Salavan. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình "ngân hàng bò" cho 3 huyện đặc biệt khó khăn, tổ chức các đợt tập huấn về hiến máu nhân đạo, sơ cấp cứu, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống, giảm thiểu rủi ro thiên tai đến đội ngũ cán bộ Hội.../.