Tại Tọa đàm “Việt Nam và vấn đề an ninh lương thực hiện nay”, các đại biểu bày tỏ quan ngại việc đô thị hóa nhanh làm mất dần diện tích đất canh tác dễ dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực, nhất là tại các thành phố lớn.
TTXVN - Mối đe dọa từ dịch bệnh tạm lắng, an ninh lương thực thế giới tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, các cuộc xung đột địa chính trị kéo theo đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng các rào cản thương mại của các nước, giá lương thực tăng cao...
Đây là những vấn đề cốt lõi được nhiều đại biểu, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm “Việt Nam và vấn đề an ninh lương thực hiện nay” do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Quỹ Hanns Seidel Foundation tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23/6.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá thực trạng, chia sẻ thông tin về an ninh lương thực toàn cầu; các cơ hội và thách thức đặt ra đối với Việt Nam; bày tỏ quan ngại việc đô thị hóa nhanh làm mất dần diện tích đất canh tác dễ dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực, nhất là tại các thành phố lớn.
Theo ông Nguyễn Đăng Trung, Phó Vụ trưởng, Vụ hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, Thành phố Hồ Chí Minh tuy không có nhiều đất canh tác nhưng lại là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; có vị trí chính trị quan trọng của cả nước và có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Đặc biệt, ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới”, ông Nguyễn Đăng Trung nhấn mạnh.
Do vậy, việc Thành phố kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định địa bàn chiến lược, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước. Khu vực này không chỉ là "trụ đỡ" bảo đảm an toàn, an ninh lương thực mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long vùng sản xuất, xuất khẩu gạo chủ lực đóng góp hơn 50% sản lượng lúa và chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước hàng năm mà còn đảm bảo an ninh lương thực, khẳng định được vai trò, vị thế xuất khẩu gạo thế giới của Việt Nam.
Bà Phạm Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, nông nghiệp tuy chỉ chiếm khoảng 2% GRDP (của Thành phố) nhưng đóng vai trò rất quan trọng bởi nơi đây còn là trung tâm cung cấp giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; trung tâm chế biến và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản, lương thực của cả miền Nam. Thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng 15% khả năng cung ứng các loại lương thực thực phẩm so với năm 2020 và đến năm 2045, nông nghiệp thành phố là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Về an ninh lương thực, bà Phạm Trần Thanh Thảo cho đây là vấn đề hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới.
Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh khi trải qua làn sóng COVID-19 lần thứ 4 cho thấy, dù không thiếu lương thực nhưng khả năng tiếp cận lương thực là rất khó khăn, an ninh lương thực đã bị đe dọa. “Do vậy, an ninh lương thực cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới, số lượng, sản lượng không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng hơn là khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn, cũng như khả năng chống chịu và thích nghi trước những cú sốc về kinh tế và môi trường”, bà Phạm Trần Thanh Thảo chia sẻ.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lương thực và trung tâm nông sản của cả nước đang phải đối mặt nhiều thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Một mặt, khu vực này phải đối diện với những thách thức về suy thoái môi trường, tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, các địa phương phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, sống “thuận thiên”, thích ứng với sự thay đổi môi trường và biến đổi khí hậu... Do vậy, tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế - xã hội - môi trường phù hợp cho nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết và cấp bách.
Minh họa về vấn đề này, ông Stefan Burkhardt, Trưởng Phòng Nam Á/Đông Nam Á, Trung tâm Điều hành của Quỹ Hanns Seidel tại Đức cho rằng, an ninh lương thực giống như bình oxy cần được theo dõi, bảo vệ cẩn trọng liên tục và thường xuyên nhằm tránh sự thiếu hụt hay lãng phí trong quá trình sử dụng. Do vậy, mỗi người, mỗi quốc gia cần phải linh hoạt, điều chỉnh thích ứng; cần có những chính sách trung hạn, dài hạn; đối với các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa, không lãng phí trong suốt quá trình sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay, giá cả nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm ngày càng gia tăng.
Báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, nạn đói đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2065, chậm hơn 3,5 thập kỷ so với kế hoạch ban đầu. Năm 2021, khoảng 2,3 tỷ người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng. Số người không đủ khả năng tiếp cận một chế độ ăn uống lành mạnh lên tới 3,1 tỷ người, tương đương khoảng 40% dân số thế giới. Những con số báo động về nguy cơ thiếu lương thực trên toàn cầu được đưa ra trước thực trạng thế giới chưa quản lý tốt việc sử dụng tài nguyên biển và lãng phí thực phẩm.
Theo ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam, không bất kỳ quốc gia nào tự lực, tự cường hay tự cung cấp khi nói về lương thực; đặc biệt là khi ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp ngày càng nhiều. An ninh lương thực hiện nay đang đòi hỏi thế giới phải có một cách tiếp cận toàn diện và đổi mới nhằm phát huy cao nhất những nguồn lực được sử dụng. Các hệ thống sản xuất nông nghiệp cần phải được chuyển đổi và nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu trên lộ trình bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Tại Việt Nam, để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, các cấp bộ, ngành, chức năng cần phải giải quyết vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu; cải thiện hệ thống nông ngư có sức chống chịu bền vững để phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, cần đảm bảo viện sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và đảm bảo việc phụ hồi nguồn tài nguyên thiên nhiên; quản lý được đổi mới sáng tạo và các rủi ro của những công nghệ mới nhằm mang đến và cải thiện hệ thống lương thực bền vững...
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với các thách thức an ninh lương thực; đề xuất, khuyến nghị, các giải pháp, biện pháp chính sách nhằm bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực. Nhiều đại biểu cho rằng cần đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực đáp ứng nhu cầu dân sinh và quốc phòng, an ninh; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất lương thực; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực...
Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề quan trọng, thiết yếu của đất nước cả trước mắt và lâu dài; khả năng, điều kiện được tiếp cận lương thực, thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng ngày càng trở thành một quyền cơ bản của mọi người. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước…./.