Xã hội

Chia sẻ lý do mô hình thoát nghèo vùng dân tộc thiểu số chưa bền vững

Phú Yên

Những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên có sự đóng góp tích cực của những người có uy tín, tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quang cảnh Hội nghị. 
Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Ngày 4/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị chuyên đề Gặp gỡ người có uy tín, tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm thông tin một số kết quả về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; lắng nghe ý kiến, kiến nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu nêu nhiều ý kiến. Đáng chú là là việc địa phương cần làm tốt đào tạo cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm bố trí việc làm cho sinh viên miền núi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch khu nghĩa trang vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời cần nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp chăn nuôi bò, heo; đầu tư cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn miền núi; ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mê tín dị đoan; phát huy vai trò của người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Ông Ksiu Thắng (huyện Sông Hinh) đề nghị lãnh đạo địa phương cấp thêm đất sản xuất cho người dân. 
Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Ông Ksiu Thắng (thôn Hà Roi, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) chia sẻ: hiện nay, một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát nghèo chưa bền vững. Nhiều mô hình chăn nuôi triển khai đạt hiệu quả chưa cao. Người dân thiếu đất sản xuất dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng. Do vậy, lãnh đạo tỉnh, huyện cần quan tâm cấp đất sản xuất cho người dân, tăng cường giao đất rừng cho người dân quản lý, tạo thêm nhiều việc làm; đồng thời, tăng cường cán bộ kỹ thuật hỗ trợ người dân canh tác. Việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cần quan tâm giữ lại các giá trị văn hóa truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ khẳng định, những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có sự đóng góp tích cực của những người có uy tín, tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các địa phương sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân tộc phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời có chính sách phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Lãnh đạo tỉnh ghi nhận ý kiến kiến nghị của các đại biểu, qua đó có những chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ phát biểu. 
Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch triển khai 10 dự án với 12 tiểu dự án thành phần. Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 là 877 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn phân bổ là 598,5 tỷ đồng, tỉnh đã giải ngân được 308,6 tỷ đồng, đạt 52,9%. Chương trình đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tỉnh hiện có 100% tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, buôn được cứng hóa; 100% số thôn, buôn có hệ thống điện sinh hoạt, thông tin liên lạc phủ khắp. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng gần 500 nhà ở cho hộ dân tộc thiểu số. Nhiều công trình công cộng ở thôn, buôn, khu phố được đầu tư nâng cấp khang trang, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.../.

Nguyễn Tường Quân

Tin liên quan

Xem thêm