An sinh

Hỗ trợ phụ nữ vùng sâu, vùng xa khởi nghiệp, làm giàu

Lạng Sơn

Ngày Phụ nữ khởi nghiệp đã trở thành một hoạt động thường niên, quy tụ, kết nối cán bộ Hội Phụ nữ các cấp, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ khởi sự kinh doanh trao đổi ý tưởng, cách thức làm giàu.

Gian trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp của phụ nữ huyện Văn Lãng. 
Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Ngày 4/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn tổ chức “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024”. Sự kiện nhằm khuyến khích hội viên, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khai thác tiềm năng, thế mạnh tại địa phương để khởi nghiệp, làm giàu.

Tại Ngày hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn Trương Thị Hảo khẳng định, kể từ năm 2017, Ngày Phụ nữ khởi nghiệp đã trở thành một hoạt động thường niên, quy tụ, kết nối cán bộ Hội Phụ nữ các cấp, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ khởi sự kinh doanh trao đổi ý tưởng, cách thức làm giàu. Trong 7 năm qua, có hơn 1.230 ý tưởng của hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn Trương Thị Hảo phát biểu khai mạc Ngày hội. 
Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Thời gian tới, Hội Phụ nữ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để hội viên khởi nghiệp được tạo điều kiện vay vốn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tuyên truyền, vận động, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, giúp chị em tự tin phát huy khả năng, tận dụng cơ hội, thế mạnh ở địa phương phát triển kinh tế. Hội Phụ nữ xây dựng mạng lưới cố vấn, tư vấn kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp, chuyên gia, đơn vị quản lý nhà nước để hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực về khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và quá trình vươn lên làm giàu, chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Toàn Thương (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) cho hay, hồng vành khuyên là cây trồng chủ lực của huyện cho sản lượng lớn mỗi năm. Tuy nhiên, đây là loại quả nhiều nước, khó bảo quản lâu, dễ bị dập khi vận chuyển đi xa nên từ năm 2017 chị đã có ý tưởng chế biến quả hồng để khắc phục hạn chế nói trên, góp phần nâng tầm sản phẩm, tăng giá trị, tạo đầu ra ổn định cho quả hồng.

Vừa học vừa làm, năm 2021, chị Thương cùng 7 xã viên thành lập hợp tác xã với hơn 1.000 m2 gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và áp dụng quy trình khép kín từ máy gọt vỏ, máy hút chân không, đóng gói theo công nghệ Nhật Bản... Chị đã sản xuất thành công sản phẩm hồng vành khuyên treo gió đạt chất lượng cao, cung cấp ra thị trường.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn Trương Thị Hảo trao Giải Nhất cho dự án “Chế biến Khảu Sli” của tác giả Hà Thị Điềm, thôn Tân Tiến, xã An Sơn, huyện Văn Quan.
 Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Năm 2022, chị Thương xây dựng quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP từ công đoạn trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm. Hợp tác xã nông sản Toàn Thương có 30 thành viên, 100 lao động gián tiếp, trong đó 80% là phụ nữ dân tộc Tày, Nùng. Hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân… Ý tưởng sản xuất hồng vành khuyên treo gió của chị Thương tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và đã giành giải Nhất.

“Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024” tỉnh Lạng Sơn diễn ra nhiều hoạt động thiết thực khuyến khích, hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, làm giàu; đồng thời ra mắt mạng lưới cố vấn, tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, mới thành lập do phụ nữ làm chủ./.

Nguyễn Anh Tuấn

Xem thêm