Ban Vận động cứu trợ thống nhất nội dung hỗ trợ theo 5 nội dung ưu tiên: gia đình có người chết, mất tích, bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm; hỗ trợ cho gia đình có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; hỗ trợ cho học sinh là con hộ nghèo; hỗ trợ phục hồi sản xuất...
Tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, lũ quét, ngập lụt, các địa phương đang tích cực phân bổ hợp lý các nguồn lực này tới những người chịu ảnh hưởng nặng nhất, khẩn cấp nhất.
* Ưu tiên hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sạt lở làm mới, sửa chữa nhà ở
Tính đến ngày 1/10, Ban Vận động cứu trợ tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận gần 163 tỷ đồng; trên 143 tấn gạo; hơn 313 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm… của hơn 8.760 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ, ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão số 3.
Sau tiếp nhận, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã hỗ trợ, phân bổ trên 4 tỷ đồng; khoảng 100 tấn gạo, 301 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các địa phương bị thiệt hại.
Dự kiến, Ban Vận động cứu trợ tỉnh Cao Bằng sẽ phân bổ nguồn hỗ trợ đợt 1 (trong tháng 10/2024) với tổng số tiền trên 60 tỷ đồng; trước mắt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại làm mới, sửa chữa nhà ở (dự kiến hỗ trợ nhà bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn mức 70 triệu đồng/nhà; nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời là 60 triệu đồng/nhà; nhà bị hư hỏng nặng từ 30 - 70% là 20 triệu đồng/nhà).
Ban Vận động cứu trợ tỉnh Cao Bằng cũng xem xét bổ sung kinh phí để khôi phục sản xuất, sữa chữa các công trình giao thông, trường học, cơ sở y tế và các công trình thiết yếu khác cho các địa phương đảm bảo khách quan, công bằng, đúng đối tượng, đồng thời, bổ sung thêm một số nội dung chi ưu tiên.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng Vũ Đình Quang cho biết, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đang xây dựng kế hoạch, phân bổ kịp thời nguồn hỗ trợ cho các địa phương và nhân dân; tuân thủ các nguyên tắc công khai, minh bạch, trực tiếp đến người thụ hưởng; không hỗ trợ trùng, không hưởng 2 lần hỗ trợ trên cùng một nội dung; đảm bảo thống nhất giữa Ban Vận động cứu trợ và UBND cùng cấp về định mức, nội dung và đối tượng hỗ trợ; đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác phân bổ hỗ trợ đến người thiệt hại...
Ban Vận động cứu trợ thống nhất nội dung hỗ trợ theo 5 nội dung ưu tiên: gia đình có người chết, mất tích, người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân, không để ai bị đói; hỗ trợ cho gia đình có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn, nhà bị hư hỏng nặng, nhà phải di dời khẩn cấp; hỗ trợ cho học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo có sách vở, đồ dùng học tập bị hư hỏng do ngập lụt; hỗ trợ phục hồi sản xuất, chủ yếu là giống cây trồng vật nuôi, thủy sản, vật tư, thiết bị sản xuất...
* Chủ động ứng phó bão lũ, giảm thiểu thiệt hại
Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với bão, lũ để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra... Đây là những bài học kinh nghiệm được đưa ra tại Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3, do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 2/10.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, bão số 3 là cơn bão mạnh, ảnh hưởng nặng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tuy vậy, địa phương đã kịp thời chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong ứng phó với bão và mưa lũ từ sớm, từ xa, rà soát, phát hiện các khâu cần quan tâm củng cố; đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan; không mất bình tĩnh trước các tình huống; quán triệt và tổ chức phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết”.
Tính đến ngày 1/10, hàng trăm tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tổng số tiền trên 125,2 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại đợt 1 cho các huyện, thành phố hơn 35 tỷ đồng; 63 tấn gạo, 250 thùng lương khô, 510 thùng mỳ tôm...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân tại các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đến nơi an toàn; đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ; tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, tỉnh quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản (đất), san gạt hạ cốt nền; đào bạt sườn dốc khu vực đồi núi để xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng mà không có biện pháp xử lý, khắc phục làm gia tăng rủi ro thiên tai...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, tại tỉnh, bão số 3 đã khiến 3 người chết, 10 người bị thương; trên 13.670 gia đình bị thiệt hại về nhà ở các mức độ khác nhau. Toàn tỉnh có 3.990 ha lúa, hơn 2.660 ha hoa màu, trên 800 ha cây trồng lâu năm, gần 1.190 ha cây hàng năm bị ảnh hưởng. Trên địa bàn tỉnh có 1.500 vị trí trên tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới, đường huyện bị sạt lở ta luy dương và nhiều điểm sạt lở ta luy âm. Ước tính tổng thiệt hại bước đầu khoảng trên 1.400 tỷ đồng...
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống bão, lụt tại Lạng Sơn năm 2024.
* Công đoàn Bình Dương quyên góp 53 tỷ đồng
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, tính đến hết ngày 30/9, các cấp công đoàn tại tỉnh đã vận động được gần 53 tỷ đồng và hơn 100 tấn hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 và lũ quét.
Trong đó, hơn 29,7 tỷ đồng đã được gửi trực tiếp đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Số còn lại hơn 23,2 tỷ đồng do các cá nhân, tập thể, đoàn viên công đoàn đóng góp đã được chuyển về Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương. Liên đoàn đã chuyển 13 tỷ đồng đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và 3 tỷ đồng đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tham gia cứu trợ.
Những chuyến xe tải chở hàng cứu trợ đã rời Bình Dương, vượt hàng nghìn cây số để đến các tỉnh như Cao Bằng, Yên Bái - những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hình ảnh những chuyến xe nặng trĩu chở đầy tình thương yêu từ Bình Dương khiến bao người xúc động. Mỗi món quà nhỏ đều là biểu tượng của tình đồng bào, như những vòng tay ôm lấy đồng bào miền Bắc trong cơn hoạn nạn.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, gửi lời cảm ơn chân thành đến các tổ chức, cá nhân đã chung tay đóng góp, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, giúp người dân vùng bão không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn mang lại niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng trong những ngày sắp tới./.