An sinh

Đề xuất giải pháp bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ tại khu công nghiệp

Khi an sinh xã hội và an ninh công việc hỗ trợ lẫn nhau sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường an ninh và phúc lợi xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội ( Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo "Vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Thông tin Khoa học xã hội và Viện Friedrich Naumann Stiftung für die Freiheit Vietnam (FNF Việt Nam), ngày 30/9, tại Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Sự kiện nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu cụ thể tại Cần Thơ và Kiên Giang về vai trò an sinh xã hội trong việc đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội cho biết, mục tiêu chính của Hội thảo là làm rõ thực trạng an ninh công việc của lao động nữ và vai trò của các chính sách an sinh xã hội trong đảm bảo phúc lợi cho họ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh chóng.

Đây cũng là cơ hội để nhóm nghiên cứu lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia và nhà quản lý nhằm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cải thiện chính sách an sinh xã hội; góp phần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban ngành chức năng, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của lao động nữ tại các khu công nghiệp, giúp họ tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ và an sinh.

Theo nhà nghiên cứu Trần Thị Thanh Tuyền, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển, người trực tiếp thực hiện khảo sát tại hai khu công nghiệp là Trà Nóc 1 (Cần Thơ) và Thạnh Lộc (Kiên Giang) để tìm hiểu tình trạng an ninh công việc của lao động nữ, mức độ an ninh công việc của lao động nữ tại hai khu công nghiệp này được đánh giá rất cao, với mức 4/4, tức là hầu hết lao động nữ đều cảm thấy công việc của họ ổn định và an toàn.

Giám đốc Viện FNF Việt Nam, bà Vanessa Steinmetz phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Nghiên cứu cũng đã đề xuất 7 yếu tố tiềm năng có thể ảnh hưởng đến an ninh công việc của lao động nữ, dựa trên các nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên, sau khi phân tích, chỉ có một số yếu tố thực sự có tác động gồm: Mức độ hài lòng với đồng nghiệp, mức thu nhập, cơ hội phát triển nghề nghiệp, chế độ làm việc, thời gian nghỉ ngơi. Những yếu tố này là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về tình trạng an ninh công việc của lao động nữ, từ đó đề xuất các chính sách và giải pháp phù hợp cho họ.

Theo Thạc sỹ Ngô Thị Mai Diên, thành viên nhóm nghiên cứu, Viện Thông tin Khoa học xã hội, an ninh công việc là một vấn đề toàn cầu và trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Khái niệm an ninh công việc không chỉ bao gồm cảm nhận cá nhân về sự ổn định trong công việc mà còn liên quan đến những yếu tố xã hội tác động đến người lao động. An sinh xã hội là mọi người được sống an toàn, có các quyền cơ bản được bảo vệ. Trong phạm vi hẹp hơn, an sinh xã hội chính là việc đảm bảo thu nhập và những điều kiện sống thiết yếu cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

An sinh xã hội luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước, thể hiện qua các chính sách và định hướng trong nhiều kỳ đại hội. Khi an sinh xã hội và an ninh công việc hỗ trợ lẫn nhau, chúng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường an ninh và phúc lợi xã hội, với sự quản lý hiệu quả từ Nhà nước và Chính phủ. Qua khảo sát thực tế tại Cần Thơ và Kiên Giang, mục tiêu chính của nghiên cứu là cung cấp bằng chứng khoa học và thực tiễn để giúp hoàn thiện chính sách cho lao động nữ tại các khu công nghiệp trong bối cảnh kinh tế biến động.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long" .
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN


Giám đốc Viện FNF Việt Nam, bà Vanessa Steinmetz đánh giá, mặc dù có quy mô không quá lớn và thời gian thực hiện ngắn, nhưng nhóm nghiên cứu đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, từ khảo sát, phỏng vấn đến xử lý số liệu tại Cần Thơ và Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu không chỉ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để tư vấn hoàn thiện chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ tại các khu công nghiệp mà còn giúp nâng cao nhận thức của các nhà quản lý địa phương về việc thực hiện hiệu quả các chính sách này. Giám đốc Viện FNF Việt Nam hy vọng, kết quả nghiên cứu này sẽ là nền tảng cho nhiều hợp tác nghiên cứu trong tương lai với các chủ đề quan trọng mà cả hai bên cùng quan tâm.

Các đại biểu dự Hội thảo cũng tập trung thảo luận về sự cần thiết phải có chính sách để đảm bảo an ninh công việc tại các khu công nghiệp. Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị cụ thể như: Doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định về an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi cho người lao động; chính quyền địa phương cần xây dựng nhà ở xã hội và các tiện ích gần khu công nghiệp để hỗ trợ người lao động; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần linh hoạt hơn trong việc thành lập tổ chức công đoàn; Chính phủ cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong thị trường lao động để đảm bảo nguồn cung lao động ổn định và chất lượng./.

Lý Thị Thanh Hương

Xem thêm