Thời sự

Chiến thắng Đường 14-Phước Long: "Đòn trinh sát chiến lược" mang tính quyết định

Bình Phước

Chiến thắng không chỉ thể hiện sức mạnh quân sự của quân và dân ta mà còn có tác động to lớn về chính trị, quân sự và ngoại giao...

Cách đây 50 năm, quân và dân tỉnh Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước) cùng bộ đội chủ lực đã ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc qua chiến thắng Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975). Chiến thắng này không chỉ thể hiện sức mạnh quân sự của quân và dân ta mà còn có tác động to lớn về chính trị, quân sự và ngoại giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết về chủ đề trên.

Bảo tàng chiến dịch Đường 14 - Phước Long nơi lưu giữ hiện vật lịch sử. 
Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Bài 1: ‘Đòn trinh sát chiến lược’ mang tính quyết định

Chiến thắng Chiến dịch Đường 14-Phước Long mang ý nghĩa là “đòn trinh sát chiến lược”, cho thấy sự suy yếu của Ngụy quyền Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch này đã mở ra thời cơ mới, là cơ sở để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam.

*Chìa khóa mở ra đại thắng mùa Xuân 1975

Theo tư liệu lịch sử, từ năm 1965 - 1974 có rất nhiều cuộc tiến công lớn nhỏ diễn ra cùng hoạt động chiến tranh du kích đánh địch mở rộng và bảo vệ vùng giải phóng, căn cứ cách mạng. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trên địa bàn Phước Long nổ ra rất quyết liệt. Sau khi sắp xếp lực lượng, bố trí các mũi tiến công, vào đêm 30 rạng sáng 31/1/1968 cuộc tổng tấn công và nổi dậy bắt đầu.

Sau chiến dịch Mậu Thân, quân dân Phước Long khắc phục khó khăn, củng cố lực lượng, tiếp tục đánh Mỹ - Ngụy, khôi phục phong trào, giữ vững và củng cố lực lượng. Đến năm 1972 đã cùng các đơn vị chủ lực tiến hành chiến dịch Nguyễn Huệ thu nhiều thắng lợi, làm tiền đề cho Chiến dịch đường 14 - Phước Long.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Đường 14 - Phước Long, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho quân và dân Phước Long diệt gọn các chi khu “Bù Đốp lưu vong”, quân chủ lực phối hợp lực lượng địa phương tiêu diệt chi khu quân sự Đức Phong và yếu khu Bù Na nhằm chia cắt, cô lập Phước Long với các khu vực xung quanh, sau đó, phối hợp với quân chủ lực tiến công giải phóng Phước Long.

Chỉ sau vài ngày chiến đấu, từ ngày 13-17/12/1974, ta tiêu diệt hoàn toàn chi khu “Bù Đốp lưu vong”, chi khu Đức Phong và yếu khu Bù Na, làm chủ tình hình một đoạn đường 14 dài 80 km, thu nhiều súng đạn, trong đó có gần 6.500 đạn pháo 105 ly, diệt và bức rút hơn 50 đồn bót, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn với hơn 14.000 dân, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam Phước Long của địch.

Đến ngày 22/12/1974, ta làm chủ hoàn toàn trận địa và quét sạch các mảng đồn bót quanh khu Thác Mơ, Phước Quả, Phước Tín giải phóng hoàn toàn vùng Nam Bà Rá. Ngày 26/12/1974, đúng 5 giờ, quân ta nổ súng tiến công chi khu quân sự Đồng Xoài. Đến 8 giờ 35 phút, ta làm chủ được chi khu. Sau đó, đến 15 giờ cùng ngày, quân ta làm chủ hoàn toàn khu vực Đồng Xoài. Phước Long bị bao vây cô lập hoàn toàn, địch chỉ còn thế phòng thủ tại tỉnh lỵ Phước Long, núi Bà Rá và chi khu Phước Bình.

Rạng sáng 6/1/1975, như hợp đồng tác chiến đã thỏa thuận, quân ta nổ súng tiến công đồng loạt trên các hướng. Trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, cuối cùng, tất cả các mục tiêu trong thị xã đều bị tiêu diệt. Đến 9 giờ ngày 6/1/1975, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc "Dinh Tỉnh trưởng", quân ta tiếp tục tiến công các vị trí còn lại đến 19 giờ cùng ngày, thị xã Phước Long được hoàn toàn giải phóng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc ý nghĩa của chiến thắng này tại Hội thảo khoa học “Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng Đường 14 - Phước Long”. Theo ông, chiến thắng này đóng vai trò như một đòn "trinh sát chiến lược", một cuộc thử sức đối với cả ta và địch. Chiến thắng này củng cố vững chắc thêm quyết tâm chiến lược của Đảng ta, đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng đã đưa ra những phân tích sâu sắc, nhận định thực tế cho thấy quân Ngụy không đủ khả năng đối phó cùng một lúc với nhiều hướng tiến công của ta, càng không có khả năng tái chiếm những nơi đã mất. Qua đó, chiến dịch đánh dấu bước sụp đổ của quân đội Sài Gòn, đồng thời phản ánh lực lượng chiến đấu của địch đã suy yếu không đủ sức phản kích để giành lại những địa bàn có tầm chiến lược quan trọng đã mất vào tay bộ đội chủ lực ta. Ý đồ và khả năng can thiệp vào miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ đã bị hạn chế.

Trung tướng Nguyễn Năng Nguyễn, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, Chiến thắng Phước Long là kết quả của sự nỗ lực chung của quân và dân cả nước, đặc biệt là quân và dân miền Đông Nam Bộ. Đây là chiến thắng thể hiện sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân tại miền Đông cũng như sự đồng lòng của toàn dân trong chiến dịch.

Thành công này còn là minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, cùng với sự chủ động, sáng tạo của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền. Thực tiễn chiến dịch cho thấy, Trung ương hết sức coi trọng và phát huy vai trò của tập thể và các lãnh đạo trực tiếp trên chiến trường; lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường hết sức tuân thủ ý đồ chiến lược và sự chỉ đạo của Trung ương.

50 năm sau chiến thắng Phước Long, cả nước và Bình Phước hôm nay đã bước sang một trang mới. Bài học về xây dựng và sử dụng đòn trinh sát chiến lược không chỉ có giá trị trong lĩnh vực quân sự, trong sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc mà còn hết sức ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Trung tướng Nguyễn Năng Nguyễn chia sẻ.

*Dấu ấn của nhân dân địa phương

Chiến thắng của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, lần đầu tiên ở miền Nam có một tỉnh được hoàn toàn giải phóng. Trong thắng lợi ấy, nổi bật lên vai trò của đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước nói chung và Phước Long nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1972-1975) là một trong những nhân chứng lịch sử đang sống và chiến đấu ở Phước Long nhiều năm, kể lại, giữa lúc cách mạng miền Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử, trải qua thời kỳ đen tối (1955 - 1959), tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II tiến hành Hội nghị lần thứ 15 đã đề ra nghị quyết quan trọng về đường lối cách mạng miền Nam: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở Miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Chỉ sau một thời gian ngắn khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, Tỉnh ủy Phước Long được thành lập vào tháng 6/1960. Sau đó, Mặt trận dân tộc tỉnh Phước Long cũng được ra đời.

Tháng 12/1960, Mặt trận dân tộc tỉnh Phước Long tổ chức Đại hội lần thứ nhất nhằm xây dựng khối đoàn kết trong các tầng lớp, thành phần dân tộc, động viên sức người sức của trong các giới để phục vụ nhu cầu cách mạng trước mắt và lâu dài; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của Tỉnh ủy Phước Long khi mới thành lập là phục hồi và phát triển các cơ sở Đảng làm hạt nhân và chỗ đứng chân trong vùng đồng bào.

Ông Nguyễn Văn Thỏa nhớ lại, lúc bấy giờ, để xây dựng nơi đây thành căn cứ cách mạng và tiếp tục mở đường hành lang chiến lược Bắc - Nam (đoạn từ Phước Long thông với Nam Đắk Lắk) nhằm trực tiếp nhận sự chi viện về sức người, sức của của Trung ương cho cách mạng miền Nam, Tỉnh ủy thành lập một đội vũ trang tuyên truyền vào vùng đồng bào thiểu số ở Sóc Bom Bo. Những người S’tiêng ở Sóc Bom Bo được Đội tuyên truyền vận động và xây dựng thành cơ sở cách mạng.

Từ năm 1960-1963, tại Sóc Bom Bo và vùng phụ cận, các cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào S’tiêng, M’nông đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, lực lượng cách mạng ngày càng phát triển rộng khắp các buôn làng. Trong suốt thời gian tiến hành chiến dịch, các đội mũi công tác và nhân dân các địa phương trực tiếp tham gia chiến đấu. Ngay từ trước khi chiến dịch bắt đầu nổ súng, ta đã vận động đồng bào dân tộc, công nhân cao su và các cơ sở cách mạng đóng góp hoặc mua lương thực, thuốc men… phục vụ chiến dịch.

Nhờ xây dựng được những cơ sở trong dân, các dinh điền, ấp chiến lược mà cán bộ, chiến sỹ Đội biệt động được nhân dân che chở đùm bọc, trong quá trình công tác và chiến đấu. Lấy dân là gốc, gần dân, sát dân, tuyên truyền, vận động nhân dân “để dân nghe, dân tin dân làm theo”… đó sẽ là bài học rất quý giá cho giai đoạn cách mạng mới, ông Nguyễn Văn Thỏa chia sẻ.

Trong ký ức của những người lính từng tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, chiến thắng này không chỉ là trang sử hào hùng mà còn là những cảm xúc mãnh liệt, khó phai.

Ông Đoàn Ngọc Châu (sinh năm 1948), thường trú khu phố 2, phường Long Thủy, thị xã Phước Long từng tham gia hàng chục trận đánh tại chiến trường Phước Long. 
Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Ông Đoàn Ngọc Châu (77 tuổi ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long) là một trong những nhân chứng lịch sử. Ông có 14 năm cầm súng và chiến đấu. Khi lá cờ giải phóng tung bay trên bầu trời Phước Long, niềm vui sướng vỡ òa trong lòng mỗi người lính, người dân và bản thân ông. Chiến thắng còn có dấu ấn đồng bào các dân tộc địa phương tham gia nhiệt tình làm nên chiến thắng lịch sử Đường 14-Phước Long./. (Còn nữa)

K GỬIHBài 2: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

K Gửi H

Tin liên quan

Xem thêm