Xã hội

Tinh thần chiến thắng Bình Giã hiện hữu nơi vùng quê đáng sống

Bà Rịa-Vũng Tàu

Kế thừa, phát huy truyền thống hào hùng và những kinh nghiệm quý báu của chiến thắng Bình Giã, từ một vùng quê nghèo, huyện Châu Đức đã trở thành vùng đất trù phú, diện mạo đô thị và nông thôn khởi sắc rõ nét.

Chiến dịch Bình Giã (huyện Châu Đức) diễn ra cách đây hơn 60 năm nhưng tinh thần chiến thắng vẫn luôn gần gũi và hiện hữu trong mỗi người dân, mỗi bước chuyển mình của Đảng bộ và nhân dân Châu Đức cũng như nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Chiến tranh lùi xa, Châu Đức hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng quê tươi đẹp, đáng sống.

Tượng đài chiến thắng Bình Giã, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu). 
Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

* Nơi ghi dấu thất bại của quân địch

Chiến dịch Bình Giã thắng lợi đánh dấu sự thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ấp chiến lược Bình Giã nay thuộc xã Bình Giã, huyện Châu Đức là “ấp chiến lược” “kiểu mẫu” của địch. Đây là địa bàn có nhiều tuyến giao thông thủy, bộ, thuận lợi cho việc giải vây, ứng cứu cả về đường hàng không và đường bộ; đồng thời xây dựng, bố trí nhiều căn cứ chiến đấu với lực lượng quân sự hùng hậu như là một cứ điểm quân sự “bất khả xâm phạm”.

Là nơi có căn cứ địa rộng, phong trào cách mạng của nhân dân phát triển mạnh, bảo đảm hậu cần cho việc tổ chức một chiến dịch lớn, Đức Thạnh - Xuyên Mộc được xác định là hướng chủ yếu của Chiến dịch Bình Giã để phân tán lực lượng, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng hành lang vận chuyển vũ khí cho chiến trường bằng đường biển, mở rộng vùng giải phóng, tạo chỗ đứng chân cho đơn vị chủ lực Miền.

Huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) hôm nay. 
Ảnh: TTXVN phát

Chiến dịch Bình Giã diễn ra 2 đợt: đợt 1 từ đêm ngày 2 - 17/12/1964; đợt 2 từ ngày 27/12/1964 - 3/1/1965. Trong suốt một tháng chiến đấu anh dũng, ngoan cường với sự hỗ trợ và tham gia tích cực của Đảng bộ, dân, quân Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ đội chủ lực Miền đã giành những thắng lợi to lớn: loại khỏi vòng chiến đấu 1.755 tên địch, bắt sống 293 tên, phá hủy 45 xe quân sự, bắn cháy và làm bị thương 55 máy bay, thu 611 súng các loại, 10 máy truyền tin và nhiều tấn quân trang quân dụng.

Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn địch, kể cả những đơn vị sừng sỏ thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược Ngụy. Thực lực cách mạng của địa phương được củng cố và phát triển mạnh mẽ, mở ra các bến bãi và chuyến giao thông liên hoàn để tiếp nhận vũ khí của Trung ương chi viện theo đường Hồ Chí Minh trên biển.

Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã mang nhiều ý nghĩa to lớn. Đối với đảng bộ, quân và dân lúc bấy giờ, Chiến dịch Bình Giã chính là thử thách nhưng cũng là thời cơ để rèn giũa, nâng cao lý tưởng, niềm tin và tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Chiến thắng Bình Giã đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện tiêu biểu, quan trọng, là mốc son trong lịch sử chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

* Bước chuyển mình mạnh mẽ

Kế thừa, phát huy truyền thống hào hùng và những kinh nghiệm quý báu của chiến thắng Bình Giã, Đảng bộ, dân và quân huyện Châu Đức đã luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đổi mới, khắc phục khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển.

Huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) hôm nay. 
Ảnh: TTXVN phát

Huyện Châu Đức được thành lập theo Nghị định số 45/CP ngày 2/6/1994 của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ huyện Châu Thành và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/8/1994. Xuất phát điểm là huyện thuần nông, nghèo nàn, lạc hậu, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, huyện Châu Đức có bước phát triển vượt bậc trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, trở thành điểm sáng của tỉnh và là nơi đáng sống, đáng tự hào.

Ông Đỗ Chí Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức chia sẻ, khi mới thành lập, Châu Đức chỉ có Quốc lộ 56 là đường nhựa còn lại đa số đường cấp phối sỏi đỏ, xuống cấp, đi lại khó khăn. Hệ thống giao thông manh mún, chưa được hoàn thiện.

Trước thực tế đó, địa phương xác định phải huy động nhiều nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt chú trọng giao thông nông thôn. Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn huyện có tổng chiều dài 1.367,5 km. Trong đó, đường bê tông nhựa, láng nhựa và bê tông xi măng có tổng chiều dài hơn 1.277 km (tăng hơn 1.169 km so với năm 1994), chiếm 93,42% trên tổng số km đường toàn huyện; khoảng 90 km đã được mở rộng nền, gia cố mặt đường cấp phối. Đường giao thông liên thôn, ấp được bê tông và nhựa hóa, giúp việc lưu thông hàng hóa cũng như đi lại của nhân dân thuận lợi hơn. Năng lực vận tải của hệ thống giao thông được nâng cao, góp phần xây dựng kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Cùng với đó, 100% hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng lưới điện quốc gia. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được cấp điện hơn 22.985, chiếm 95,57%.

Cô trò trường Mầm non Sao Sáng (Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) vui chơi tại sân trường. 
Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Bà Đào Thị Dương, thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức chia sẻ: Trước đây, thôn Lồ Ồ là địa bàn xã với hầu hết đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống. Những ngày mới thành lập, thôn "không đường, không trường, không trạm, không điện, không nước sạch…" ; đời sống bà con dân tộc thiểu số vô cùng khó khăn, vất vả. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Đảng và Nhà nước qua các Chương trình 134, 135, thôn Lồ Ồ đã dần thay da, đổi thịt. Đến nay, đời sống người dân đã khấm khá, con em trong thôn được học hành và dần có công việc ổn định; 100% thôn, ấp của xã đã được nhựa hóa, việc đi lại dễ dàng, thuận lợi.

Xác định con người là trung tâm của chiến lược phát triển, thời gian qua huyện Châu Đức tích cực thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đến cuối năm 2023, huyện không còn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 100%. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh về đích trong công tác giảm nghèo của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Châu Đức đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2022. Toàn huyện có 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 13/14 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là địa phương có số xã nông thôn mới kiểu mẫu nhiều nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thu nhập bình quân đầu người là 89,5 triệu đồng/người/năm. Huyện đang triển khai các biện pháp thu hút đầu tư vào chế biến sâu nông sản gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, trên địa bàn huyện có 43 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có sản phẩm từ các loại nông sản chủ lực của huyện như hồ tiêu, cà phê, ca cao, hạt điều, sản phẩm chế biến từ thịt heo, thịt gà và các nông sản khác…

Cây hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực tại huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu). 
Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

“Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất và đạt được những thành quả vượt bậc. Từ một vùng quê nghèo với đa số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, chính quyền và nhân dân huyện Châu Đức đã chung tay xây dựng huyện trở thành vùng đất trù phú, diện mạo đô thị và nông thôn khởi sắc rõ nét. Với những thành tựu đã đạt được cùng tiềm năng phát triển to lớn, huyện đang vững bước trên con đường phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng chung của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Đỗ Chí Khởi cho hay./.


Hoàng Nhị

Tin liên quan

Xem thêm