Từ đầu năm 2025 đến ngày 6/4, toàn thành phố Đà Nẵng ghi nhận khoảng 3.700 ca nghi sởi.
Ngày 7/4, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thông tin, trước tình hình bệnh sởi trên địa bàn thành phố tăng cao, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế và các cơ quan liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh sởi.
Theo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, địa phương ghi nhận các ca bệnh đơn lẻ từ cuối năm 2024 và có chiều hướng tăng liên tục từ tháng 2/2025. Tính từ đầu năm 2025 đến ngày 6/4, toàn thành phố ghi nhận khoảng 3.700 ca nghi sởi (cùng kỳ năm 2024 có 11 ca báo cáo); ghi nhận 973 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi (chiếm 83,7% các trường hợp lấy mẫu xét nghiệm).
Tình hình thu dung, điều trị nội trú các ca bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng gia tăng, giữ mức cao, trung bình 550 trường hợp nghi sởi, sởi điều trị nội trú trong tháng 3/2025. Hiện đang có 317 bệnh nhân (khoảng 20% là bệnh nhân ngoại tỉnh), trong đó có 21 ca bệnh phân loại mức độ nặng (35,9% là bệnh nhân ngoại tỉnh).
Phân tích bệnh nhân dương tính sởi trên địa bàn, Sở Y tế thành phố cho biết, Đà Nẵng ghi nhận 58,6% bệnh nhân là trẻ đã đến tuổi nhưng chưa tiêm đủ mũi vaccine có chứa thành phần sởi; 8,5% bệnh nhân đã tiêm 2 liều vaccine phòng sởi. Về tuổi bệnh nhân: có 12,7% bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi, 16,5% bệnh nhân từ 9 - 24 tháng tuổi, 21,8% bệnh nhân trên 2 tuổi đến 5 tuổi; 27,2% bệnh nhân trên 5 tuổi đến 11 tuổi và 21,7% bệnh nhân trên 11 tuổi; ghi nhận 57,1% bệnh nhân là trẻ trong độ tuổi đi học.
Theo lãnh đạo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, trước tình hình bệnh sởi gia tăng, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng, chống bệnh sởi. Cụ thể, thành phố đã gấp rút, nỗ lực phối hợp với các ngành, địa phương triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi tại 47/47 xã, phường và kết thúc chiến dịch đến ngày 31/3. Với kết quả có 21.560 trẻ em từ 6-9 tháng tuổi và trẻ em từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 liều vaccine phòng sởi được tiêm bổ sung, đạt tỷ lệ 96,23% (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra); trong đó tiêm vaccine dịch vụ 5.909 trẻ. Một số trẻ thuộc diện tiêm trong chiến dịch nhưng chưa được tiêm, do chống chỉ định (7 trẻ) hoặc phải hoãn tiêm đợt này do các bệnh lý và tình trạng sức khỏe (479 trẻ), không đồng ý tiêm có 300 trẻ (50 trẻ 6-9 tháng tuổi, 110 trẻ 1-5 tuổi, 140 trẻ 6-10 tuổi).
Hiện nay, hệ thống khám chữa bệnh tại Đà Nẵng đủ khả năng đáp ứng với tình hình bệnh sởi. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh thường xuyên theo phân công, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố bố trí sẵn sàng 650-700 giường bệnh điều trị nội trú đối với bệnh nhân nghi sởi, sởi và khoảng 30 giường điều trị bệnh nhân sởi nặng; nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để điều trị bệnh sởi được bảo đảm.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cấp phát 6.950 liều vitamin A liều cao cho các cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân sởi; hiện còn 12.800 liều vitamin A liều cao (trong đó 3.650 liều vitamin A 100.000 IU, 7.230 liều vitamin A 200.000 IU); đủ khả năng cung cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong 6 tháng tới và tiếp tục dự trù để đề nghị Bộ Y tế cấp phát thêm trong thời gian tới.../.
- Từ khóa:
- Đà Nẵng
- bệnh sởi
- tiêm vaccine phòng sởi
- bệnh nhân
- trẻ em