Tại Thừa Thiên - Huế, hoạt động du lịch là một trong những lĩnh vực trọng điểm của địa phương với nhiều nền tảng được đưa vào triển khai vận hành công nghệ số như eFestival, CITravel, iTourism.
TTXVN - Ngày 21/4, tại thành phố Huế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác chuyển đổi số của địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh trong công tác chuyển đổi số. Các chỉ số xếp hạng của địa phương liên tục được cải thiện và luôn nằm trong top đầu cả nước những năm qua. Sở Thông tin và Truyền thông đã thành công chuyển đổi số khá toàn diện cơ sở dữ liệu trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao việc chuyển đổi số cũng như các sản phẩm báo chí, truyền thông đặc sắc quảng bá hình ảnh trong lĩnh vực du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, để quảng bá rộng hơn hình ảnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh cần có nhiều sản phẩm báo chí hấp dẫn, mới lạ và chất lượng nổi bật hơn nữa; đề cao vai trò người dân trong việc tham gia thực hiện sản phẩm quảng bá địa phương, đồng thời liên kết website Vietnam.vn nhằm giới thiệu hình ảnh Cố đô Huế đến thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, chính quyền số Thừa Thiên - Huế phải đạt 100% dịch vụ công trực tuyến; chuyển đổi số phải hỗ trợ giảm nhẹ áp lực công việc cho cán bộ, công nhân, viên chức nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, địa phương cần quan tâm mức độ minh bạch của chính quyền, thực hiện dịch vụ công trực tuyến hiệu quả và đẩy mạnh xã hội số. Bởi đây là những yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến địa phương.
Trước ý kiến của tỉnh về trang bị thiết bị nghe nhìn thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ giải pháp cảnh báo thiên tai, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, công nhân, viên chức…, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu, các Cục trực thuộc, tập đoàn, doanh nghiệp bưu chính viễn thông cần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tối đa cho địa phương giải quyết triệt để các vấn đề trên.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, hoạt động du lịch là một trong những lĩnh vực trọng điểm của địa phương. Nhiều nền tảng được đưa vào triển khai vận hành công nghệ số như eFestival, CITravel, iTourism. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Phương kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét trên cơ sở chiến lược chuyển đổi số, hỗ trợ vấn đề số hóa, nền tảng số, đặc biệt là hoạt động truyền thông trên nền tảng số, giúp thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn; đồng thời, quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài trên Cổng Vietnam.vn. Bộ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ công tác số hóa cũng như các nền tảng quản trị dữ liệu số theo 3D và VR; đồng thời, hỗ trợ các giải pháp quản lý, giám sát tình hình thiên tai, sạt lở bằng công nghệ số…
Giai đoạn 2020 - 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Thừa Thiên - Huế đạt 5,2%/năm; trong đó, năm 2022 đạt 8,56%, có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Liên tục trong các năm qua, các chỉ số xếp hạng của tỉnh được cải thiện và luôn nằm trong top đầu về các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh như: chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019 xếp thứ 2 toàn quốc, chỉ số chuyển đổi số trong 2 năm (2020 -2021) xếp thứ 2 toàn quốc, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tăng từ vị trí số 20 (năm 2019) lên vị trí số 6 toàn quốc (năm 2022). Nhiều lĩnh vực quan trọng được dữ liệu số và phát triển hệ thống nền tảng như: y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng… Người dân có thể dễ dàng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, cập nhật thông tin học tập qua ứng dụng Hue-S…
Ngành Du lịch tỉnh đã và đang triển khai từng bước xây dựng Hệ sinh thái du lịch thông minh, bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về cơ sở lưu trú, công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch tỉnh, đồng thời nâng cấp Cổng thông tin du lịch Thừa Thiên - Huế và app visithue nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến, phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết hàng ngàn thủ tục. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được số hóa đồng bộ và liên thông 4 cấp; đáp ứng đầy đủ tính năng gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị gắn với việc sử dụng chữ ký số cho tất cả các cơ quan Nhà nước và một số doanh nghiệp Nhà nước có tham gia gửi - nhận văn bản. Dịch vụ đô thị thông minh Hue-S ngày càng được phát triển trở thành một ứng dụng tiện ích đối với người dân, du khách, doanh nghiệp địa phương với hơn 50 ứng dụng trên nền tảng này./.