Không ít khu đất bỏ hoang, không được sử dụng kéo dài nhiều năm, không được khắc phục, hậu quả khắc phục chậm hoặc không được xử lý kiên quyết, làm thất thoát nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã nêu ra 4 giải pháp rất rõ ràng, quyết tâm phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước.
Theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay, công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước tập trung thực hiện quyết liệt và đã đạt được những kết quả khá quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề lãng phí đã và đang diễn ra khiến người dân rất bức xúc.
Cụ thể, trên cả nước và ở từng địa phương có nhiều dự án, công trình bỏ dở hoặc không triển khai hay đầu tư kém hiệu quả. Không ít khu đất bỏ hoang, không được sử dụng kéo dài nhiều năm, không được khắc phục, hậu quả khắc phục chậm hoặc không được xử lý kiên quyết, làm thất thoát nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Do vậy, việc quản lý, sử dụng tài sản công cần được đánh giá rõ ràng về khó khăn, vướng mắc, nhận diện khách quan, khoa học, toàn diện tình trạng lãng phí (nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, đầu tư công…) để kịp thời khắc phục hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan.
Đồng thời để phòng, chống lãng phí đạt hiệu quả cao cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm”, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành đề án “Vận dụng, triển khai thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ” và thực hiện có hiệu quả - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Phạm Tâm Hiếu (đảng viên 50 năm tuổi Đảng, ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, tham ô, lãng phí, quan liêu là "giặc ở trong lòng”. Nếu cán bộ, đảng viên và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Nạn tham nhũng, lãng phí luôn đồng hành với nhau; mỗi khi đội ngũ cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, quản lý của Nhà nước lỏng lẻo thì nó mới có điều kiện để thao túng mọi mặt đời sống xã hội.
Tham nhũng, lãng phí là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng; trực tiếp phá hoại công cuộc phát triển đất nước, gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đặc biệt, tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng; là tiền đề của mất ổn định xã hội; tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Theo bà Phạm Tâm Hiếu, tại thời điểm này, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về vấn đề phòng, chống lãng phí là rất cần thiết. Nhưng việc này cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, tạo ra văn hóa ứng xử trong thời đại mới./.