Theo Chủ tịch Quốc hội, Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt với tư duy tầm nhìn mới, Bình Định còn trở thành trung tâm kinh tế biển, cảng biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
TTXVN - Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, ngày 4/3, tại thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng; lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan... tham dự.
Thay mặt Đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng với những kết quả mà Bình Định đã đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; góp phần đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, đứng trong tốp dẫn đầu của khu vực.
Đặc biệt, năm 2023 là năm rất thành công, tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch 17/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61% (xếp thứ 17/63 trong cả nước, thứ 6/14 trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung). Quy mô kinh tế ước đạt trên 117.668 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 trong khu vực miền Trung; GRDP đầu người ước đạt 78,19 triệu đồng...
* Phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tinh thần và hào khí “Tây Sơn”
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Bình Định đã đạt nhiều kết quả toàn diện trên các mặt công tác. Tỉnh thể hiện quyết tâm, khát vọng phát triển rất rõ; đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận mặc dù phát triển nhanh nhưng quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn (khoảng 5 tỉ USD), GRDP đầu người ước đạt 78,19 triệu đồng (khoảng hơn 3.000 USD), do xuất phát điểm thấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt với tư duy tầm nhìn mới, Bình Định còn trở thành trung tâm kinh tế biển, cảng biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của đất nước; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây… Do đó, Bình Định cần quán triệt rõ mục tiêu này, đồng thời cả Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện về cơ chế chính sách và phân bổ nguồn lực.
Tỉnh là mảnh đất có bề dày văn hóa - lịch sử, truyền thống với nền văn hoá Sa Huỳnh; nơi phát tích phong trào Tây Sơn, gắn với tên tuổi người Anh hùng kiệt xuất Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhiều danh nhân văn hóa, di sản văn hóa. Với những yếu tố đó, trong phát triển du lịch, tỉnh phải gắn kết chặt chẽ với văn hoá, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm cỡ quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề làm sao để “lấp đầy” những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển. Hiện các dự án chưa thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, chưa có “cá to” là do chưa có “ao sâu”; bày tỏ sự nhất trí với ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói về Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định giai đoạn 1 vừa khánh thành. Đây là mô hình rất mới, đòi hỏi cách tiếp cận bài bản, đồng bộ và với tư duy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, phải giải quyết triệt để mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Để thu hút nhà đầu tư lớn, chiến lược, theo Chủ tịch Quốc hội, là địa phương đi sau tỉnh cần “kiên nhẫn”, chú ý tính toán giá trị gia tăng suất đầu tư trên 1 héc-ta, do cơ sở hạ tầng cho năng lực sản xuất mới trên địa bàn còn khá lớn.
Bình Định phải tăng tốc thực hiện nhiệm vụ đề ra bù lại những năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, rà soát chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án, nhiệm vụ cụ thể để có thể tăng tốc, đạt mục tiêu cao nhất cho cả nhiệm kỳ.
Cùng với đó xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, tỉnh cần tăng cường hoạt động của cơ quan dân cử.
Dự kiến trong Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, tỉnh cần chuẩn bị những nội dung liên quan đến chương trình này.
Bình Định đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; có kế hoạch để triển khai Quy hoạch tỉnh bằng các chương trình, nhiệm vụ, dự án cụ thể; tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Năm 2024 cũng là năm bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Định làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cho tỉnh, Trung ương, quan tâm khối Mặt trận Tổ quốc, khối dân cử…
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Cụ thể, về mở rộng Cảng hàng không Phù Cát, Chủ tịch Quốc hội gợi mở việc thành lập tổ công tác do địa phương chủ trì kết hợp với các bộ, ngành hữu quan để thảo luận kỹ chủ trương đầu tư, phương án, phân định rõ nhiệm vụ. Trong thẩm quyền của mình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng thực hiện. Việc mở rộng cảng hàng không Phù Cát là hết sức quan trọng, cấp thiết, bởi không chỉ cho tỉnh mà còn liên quan đến khu vực, phát triển kinh tế…
Về dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đây là dự án quan trọng đặc biệt, chiến lược, thông thương cho khu vực Tây Nguyên kết nối ra biển, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, tỉnh cần cần xác định thứ tự ưu tiên; nghiên cứu tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, cơ bản thực hiện theo phương thức đầu tư công, đồng thời cũng có thể thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Điều quan trọng là tìm được nhà đầu tư và lập phương án đề xuất dự án và chủ trương đầu tư. Tỉnh cần xây dựng danh mục đầu tư công cho nhiệm kỳ sau, có nguồn lực thì có thể áp dụng sớm hơn trong giai đoạn 2026-2030. Tỉnh cần xây dựng danh mục đầu tư công cho nhiệm kỳ sau, có nguồn lực thì có thể áp dụng sớm hơn trong giai đoạn 2026-2030.
Về Dự án điện gió ngoài khơi, xem xét, ưu tiên phân bổ quy mô công suất điện gió ngoài khơi cho tỉnh Bình Định, đưa dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư vào Danh mục các dự án nguồn điện phát triển trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; Chủ tịch Quốc hội cho biết Chính phủ và các bộ, ngành đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó sẽ định hướng phân bổ quy hoạch đối với từng phân ngành cụ thể.
Đây là căn cứ pháp lý để xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Trường hợp có sự vướng mắc, tỉnh phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo Quy hoạch để tiến hành điều chỉnh cho phù hợp.
Quy hoạch không gian biển quốc gia sau khi ban hành sẽ tạo căn cứ để xác định phạm vi quản lý không gian biển, là cơ sở pháp lý giao các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Trường hợp có sự vướng mắc, tỉnh phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo Quy hoạch để tiến hành điều chỉnh cho phù hợp.
Quy hoạch không gian biển quốc gia sau khi ban hành sẽ tạo căn cứ để xác định phạm vi quản lý không gian biển, là cơ sở pháp lý giao các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng để sớm phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), liên quan đến giá điện, phương thức mua bán điện trực tiếp, nguồn lực quy hoạch, kết nối và nguồn lực để đầu tư cho kết nối, ngư trường, sinh kế cho người dân... Trên cơ sở đó xem xét, phân bổ quy mô công suất điện gió ngoài khơi cho các địa phương. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Cùng với đó, trong sửa đổi Luật Điện lực đã có trong kế hoạch cũng có nội dung liên quan.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã nêu ý kiến về nội dung tỉnh đề cập liên quan đến chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; về việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Thừa phát lại...
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, với sự quan tâm, ủng hộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần và hào khí “Tây Sơn”, phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo cùng với thời cơ và vận hội mới, triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế; đến năm 2050, là trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, tỉnh sẽ bổ sung vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh mới được phê duyệt.
Nhân chuyến công tác tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Chủ tịch Quốc hội đã vận động từ nguồn xã hội hóa kinh phí hỗ trợ xây dựng 100 nhà tình nghĩa cho người dân trên địa bàn tỉnh (5 tỷ đồng). Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chứng kiến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trao biển hỗ trợ cho lãnh đạo tỉnh.
* Trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và các văn thần, võ tướng kiệt xuất của triều đại Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).
Chủ tịch Quốc hội và Đoàn thăm Bảo tàng Quang Trung - nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trước anh linh của các bậc tiền nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn nguyện luôn đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
*Tại thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đã tới thăm, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khương (93 tuổi) và gia đình thương binh Đinh Dương Hải./.