Nhiều mô hình hay, có hiệu quả thực tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ, đoàn kết gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng với cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương đã được triển khai tại Lạng Sơn.
TTXVN - Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và Huyện ủy 5 huyện biên giới, tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 - 2026, các đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, xây dựng nhiều hoạt động song hành thiết thực, ý nghĩa trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, với mục tiêu cùng chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.
Những mô hình thiết thực
Theo Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, công tác phối hợp giữa Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Huyện ủy 5 huyện biên giới của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điều này thể hiện ở việc đã duy trì và thực hiện tốt cơ chế thông tin liên lạc, trao đổi tình hình liên quan trong các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; qua đó xây dựng được nhiều mô hình hay, có hiệu quả thực tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ, đoàn kết gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng với cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương.
Một trong những mô hình đang phát huy được hiệu quả thiết thực tại biên giới đó là mô hình “Thắp sáng đường tuần tra biên giới” và huy động nguồn lực xây dựng đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới của đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma. Cuối năm 2022, sau khi tỉnh Lạng Sơn triển khai đợt phát động đặc biệt về xây dựng đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma đã quán triệt đến toàn lực lượng cũng như đẩy mạnh hoạt động của Tổ thông tin truyền thông của Đồn và 3 xã biên giới.
Thượng tá Dương Văn Hảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cho biết, trong quá trình vận động, đơn vị luôn khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý nghĩa của việc xây dựng đường kiểm tra mốc giới đến quần chúng nhân dân. Việc xây dựng đường kiểm tra mốc giới chính là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, sản xuất và phát triển kinh tế. Như vậy, cả người ủng hộ bằng tiền mặt, vật chất cũng như người hiến đất làm đường đều vui vẻ, tạo phong trào rộng khắp trên địa bàn. Bằng những cách làm trên, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma đã vận động được 54 hộ gia đình hiến đất làm đường kiểm tra cột mốc để làm 22 đường kiểm tra, chiều dài gần 3km, với trên 1.100 ngày công, tổng trị giá trên 2,1 tỷ đồng. Với mô hình “Thắp sáng đường tuần tra biên giới”, đơn vị triển khai xây dựng và lắp trên 260 bóng đèn với chiều dài khoảng 12,5km dọc tuyến biên giới, trị giá hơn 790 triệu đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tú Mịch (huyện Lộc Bình) Lương Văn Nam chia sẻ, những phần việc, hoạt động thiết thực của Bộ đội Biên phòng luôn hướng đến người dân vùng biên giới. Đảng ủy, chính quyền xã thường xuyên phối hợp cùng lực lượng Biên phòng để triển khai. Bà con nhân dân luôn tin tưởng Bộ đội Biên phòng, cùng tham gia xây dựng, đóng góp ngày công lao động với các mô hình thiết thực, phục vụ tốt cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới.
Tại Đồn Biên phòng Chi Lăng, với đặc thù quản lý đoạn biên giới dài 20,166km với địa bàn 2 xã biên giới của huyện Đình Lập, đơn vị đã đẩy mạnh phòng trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”. Để triển khai hiệu quả, đơn vị đã xây dựng nhiều việc làm thiết thực với các mô hình như “Gia đình 4 không, thôn bản 4 có”; “thu hồi vũ khí vật liệu nổ”…, làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật đến nhân dân, nhất là về pháp luật biên phòng, quy chế cửa khẩu, biên giới…
Trung tá Đặng Nam Cao, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Lăng cho hay, để phong trào có kết quả tốt nhất, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết, qua đó đánh giá được những hạn chế, bài học, những kinh nghiệm cần nhân rộng để triển khai tiếp theo.
Quân - dân hợp sức
Lạng Sơn có đường biên giới dài 231,7km tiếp giáp Trung Quốc, với 474 cột mốc quốc giới trải dài trên 5 huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng và Tràng Định; khu vực biên giới có 21 xã, thị trấn, gồm 176 thôn, khu dân cư chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao và Hoa sinh sống.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Đảng ủy các Đồn Biên phòng và Đảng ủy các xã thị trấn đã ký Quy chế phối hợp nhằm thực hiện tốt công tác trao đổi, tham mưu; phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các thôn, bản trên địa bàn, thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Đến nay, hàng trăm cán bộ Biên phòng được phân công tham gia cấp ủy cấp huyện và xã, dự sinh hoạt tại các chi bộ thôn, khu phố giáp biên, qua đó xử lý có hiệu quả những vấn đề nảy sinh ngay tại cơ sở…
Bí thư Huyện ủy Tràng Định Nguyễn Tuấn Nam thông tin, nhằm cụ thể hóa các nội dung phối hợp sát với tình hình, yêu cầu, Huyện ủy Tràng Định đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều nội dung trọng tâm. Trong năm 2023, Đảng ủy các xã biên giới đã phối hợp cùng các đồn Biẻn phòng tổ chức tuần tra 52 lần, phát quang trên 18km đường tuần tra biên giới…, cùng đó đẩy mạnh thực hiện các mô hình, chương trình, phần việc tại địa bàn từng xã biên giới, như “Chương trình nâng bước em đến trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”…, phối hợp chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc vùng biên giới; góp phần ổn định và nâng cao đời sống người dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các đồn Biên phòng đã tích cực tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân khu vực biên giới. Các đơn vị đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền các nội dung thông qua các buổi sinh hoạt thôn, bản; tuyên truyền nhỏ lẻ đến từng hộ dân, tổ chức ký cam kết, phát tờ rơi, tờ gấp… Trong năm 2023, các đồn Biên phòng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền tập trung được hơn 300 buổi với trên 14.000 lượt người dự nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ cho gần 10.000 người, phát trên 21.000 tờ rơi tuyên truyền pháp luật…
Ông Tàng Văn Thân, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình chia sẻ, người dân rất phấn khởi khi được sự quan tâm giúp đỡ của lực lượng Biên phòng, nhất là vào những dịp lễ Tết được tặng quà. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương thường xuyên xây dựng, hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt, giúp đỡ kiến thức để phát triển kinh tế. Từ đây, nhiều hộ gia đình đã có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống, tin tưởng tuyệt đối lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn nhấn mạnh, các nội dung phối hợp chủ yếu liên quan đến công tác lãnh đạo chỉ đạo; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; thực hiện quản lý, bảo vệ lãnh thổ biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới và xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Với những nội dung này, lực lượng Biên phòng và cấp ủy chính quyền các huyện biên giới đã cụ thể hóa phù hợp với thực tế địa bàn, có trọng tâm trọng điểm, sâu sắc và toàn diện, từ đó góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
- Từ khóa:
- Biên giới
- Lạng Sơn
- quốc phòng an ninh