Ban chấp hành Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cần khẩn trương báo cáo các cơ quan chức năng, xin cơ chế đặc thù để nhà nước tài trợ thực hiện Đề án bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tác giả sân khấu khi còn chưa quá muộn.
TTXVN - Trong gần hai mươi năm trở lại đây, chưa năm nào đời sống sân khấu lại nhộn nhịp, bận rộn, sôi động, gấp gáp và phục vụ nhiều đối tượng khán giả như năm 2022. Nhận định đó của Nhà viết kịch, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã phần nào cho thấy sự thay đổi về diện mạo của nghệ thuật sân khấu Việt thời gian qua.
* Sôi động sân khấu Việt
Sau hơn hai năm bị đóng băng do dịch COVID-19, ngày 15/3/2022, cả nước trở lại cuộc sống bình thường. Trong khoảng 9 tháng cuối năm 2022, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã vô cùng sôi động với 8 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu. Trong đó, có 2 cuộc liên hoan sân khấu quốc tế là Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm và Liên hoan Xiếc quốc tế, cùng với nhiều cuộc liên hoan sân khấu trong nước như Liên hoan nghệ thuật sân khấu cải lương toàn quốc, Liên hoan Chèo toàn quốc, Liên hoan sân khấu Thủ đô…
Thống kê của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho biết, trong số 130 tác phẩm tham dự các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức năm 2022, có 3 tác phẩm đạt Giải Xuất sắc, 27 tác phẩm đạt Huy chương Vàng và 32 tác phẩm đạt Huy chương Bạc. Kết quả trên đã phần nào phản ánh sinh động về giá trị tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, hình thức thể hiện của sân khấu Việt Nam năm 2022. Nhìn vào số lượng vở diễn, có thể thấy nghệ thuật sân khấu đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ và đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên.
Về chất lượng, đánh giá của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho thấy, trong năm qua đã xuất hiện một số tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Có thể kể đến một số vở diễn như vở cải lương “Đất liền và biển cả” (Đoàn cải lương Hải Phòng); Vở kịch nói “Mưa đỏ” (Nhà hát kịch nói Quân đội); Vở chèo “Đất liền và biển cả” (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa); Vở bài chòi “Cô Thần” (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định), “Bất tử với Thăng Long” (Nhà hát Cải lương Việt Nam)…
Nhà viết kịch, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đánh giá: Hầu hết các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập đều có tác phẩm tham dự liên hoan ở nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca, xiếc và sân khấu thử nghiệm. Điều đó chứng tỏ tinh thần trách nhiệm của các đơn vị nghệ thuật, sự khát khao sáng tạo và mong muốn được cống hiến của đội ngũ nghệ sỹ sân khấu cả nước, đã vượt qua vô vàn những khó khăn thách thức, thay đổi diện mạo nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả trong thời kỳ công nghệ 4.0, trong sự phát triển của nhiều phương tiện và loại hình nghệ thuật giải trí khác nhau.
Điều đáng mừng là phần lớn đội ngũ lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, hội đồng nghệ thuật ở cơ sở đã thay đổi nhận thức, chú trọng đầu tư có chiều sâu về mọi mặt trong quy trình lựa chọn và dàn dựng tác phẩm, đặt chất lượng nghệ thuật của vở diễn lên trên tất cả, xác định rõ đối tượng hưởng thụ là khán giả và chính khán giả là người quyết định sự thành bại, sống còn…, sự tồn tại và phát triển của đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ. Vấn đề này trước đây chưa được coi trọng, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự trượt dốc không phanh của nghệ thuật sân khấu trong một thời gian dài.
Có thể thấy, nghệ thuật sân khấu năm 2022 đã có sự chuyển mình, sôi động, tiến bộ về mọi mặt. Chất lượng nghệ thuật của nhiều tác phẩm sân khấu được nâng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, từng bước đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của khán giả, hoàn thành sứ mệnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong thời kỳ sau đại dịch.
Tuy nhiên, sân khấu Việt vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Thực tế cho thấy, tuy có nhiều vở diễn đạt giải, nhưng khi biểu diễn phục vụ công chúng lại không có người xem. Sân khấu trong nhiều năm qua và năm 2022 vô cùng thiếu vắng những tác phẩm đề cập về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm thay đổi con người và đời sống xã hội trong thời kỳ hội nhập. Lấy ví dụ từ Liên hoan Chèo toàn quốc, diễn ra vào tháng 10/2022, trong số 27 vở diễn tham gia Liên hoan, chỉ có 1 vở diễn duy nhất phản ánh về cuộc sống đương đại, 26 tác phẩm còn lại đi vào khai thác lịch sử, dân gian, dã sử, truyền thuyết và danh nhân.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương cho rằng, những mảng đề tài thuộc về quá khứ là đáng tôn trọng, là tài sản vô giá của dân tộc, là mảnh đất màu mỡ cho những người sáng tạo nghệ thuật sân khấu cày xới, khai thác. Thế nhưng, chúng ta cứ cày xới gieo trồng mãi trên mảnh đất màu mỡ ấy, ắt sẽ nhận được sự bạc màu trong tác phẩm.
“Tại sao chúng ta cứ mãi mượn chuyện xưa để nói nay mà lại không trực diện đối mặt để lý giải hiện thực sinh động đang chảy cuồn cuộn từng ngày, từng giờ giữa cuộc sống mênh mông rực rỡ sắc màu”, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương đặt câu hỏi.
* Chung tay đồng lòng tháo gỡ khó khăn
Thực tế, qua hơn ba mươi năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng nghệ thuật sân khấu dường như ít đề cập hoặc né tránh thực tiễn đang diễn ra sôi động hàng ngày, tác động mọi mặt đến con người, xã hội và làm mới hơn các hệ giá trị. Đây có lẽ là một nguyên nhân để nghệ thuật sân khấu chưa kéo được khán giả tới các nhà hát. Bởi lẽ, công chúng cần nghệ thuật sân khấu đưa ra những thông điệp định hướng và mang tính dự báo từ thực tiễn đời sống; Phản ánh chân thực những phát sinh trong con người, trong xã hội để lý giải và góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn…
Năm 2022 có ít vở diễn hay vì sân khấu đang vô cùng khan hiếm kịch bản hay. Cũng bởi lẽ đó mà mỗi lần tham dự liên hoan, các đơn vị nghệ thuật phải chấp nhận dàn dựng lại những kịch bản cũ, thậm chí còn sử dụng những kịch bản đã dàn dựng cách đây khoảng ba bốn chục năm.
Thực trạng này bộc lộ rõ nền sân khấu của chúng ta đang bị khủng hoảng lớn lực lượng tác giả, một thành phần sáng tạo vô cùng quan trọng của nghệ thuật sân khấu. Đội ngũ tác giả sân khấu hiện tại thiếu về lượng, yếu về chất. Vấn đề này đã diễn ra nhiều năm, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đều biết nhưng chưa tìm được giải pháp khắc phục. Hơn 10 năm qua, hai cơ sở đào tạo nghệ thuật lớn nhất cả nước là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh không tuyển được học viên theo học chuyên ngành Biên kịch sân khấu.
Cùng với đó, qua công tác thẩm định xét giải hàng năm, thông qua tác phẩm, Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cũng nhận thấy còn nhiều khoảng trống trong đội ngũ biên kịch hiện có của sân khấu hôm nay.
Ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng, để nghệ thuật sân khấu những năm tới đây xuất hiện nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian cần có sự chung tay đồng lòng tháo gỡ những điểm nghẽn của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và đội ngũ trực tiếp tham gia sáng tạo.
Ban chấp hành Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cần khẩn trương báo cáo các cơ quan chức năng, xin cơ chế đặc thù để nhà nước tài trợ thực hiện Đề án bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tác giả sân khấu khi còn chưa quá muộn. Bởi lẽ, những cây đa cây đề có khả năng truyền đạt lại kinh nghiệm, kỹ năng trong nghệ thuật biên kịch đã và đang dắt tay nhau trở thành người thiên cổ, nếu không nhanh, sẽ không còn kịp.
Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, cho biết thời gian tới, Ban chấp hành Hội quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ then chốt của toàn khóa, tích cực phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp.
Trước mắt trong năm 2023, bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan sân khấu trên phạm vi cả nước, Hội sẽ tổ chức các trại sáng tác tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Tổ chức trại sáng tác tại Đà Lạt (dự kiến vào tháng 5/2023 và tại Cần Thơ (dự kiến vào tháng 10/2023); Phối hợp mở trại sáng tác tại Bắc Ninh và Ninh Bình bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của hai tỉnh; Tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ đạo diễn sân khấu cho đạo diễn trẻ tại phía Nam; Phối hợp với Bộ Công an tổ chức trại sáng tác Công an nhân dân phục vụ tác phẩm cho Liên hoan nghệ thuật hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân; Phát động sáng tác đề tài chiến tranh cách mạng hướng tới 50 năm thống nhất đất nước…
Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tổ chức xây dựng đề án về chiến lược phát triển khán giả cho sân khấu, đề án số hóa các tác phẩm sân khấu tiêu biểu, hội thảo khoa học về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW của Đảng về quy hoạch và kiện toàn xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp… đẩy mạnh việc xây dựng, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật sân khấu có giá trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.