Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta; trong đó có đóng góp to lớn của đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang.
*Ngày 25/4, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, đại thắng mùa Xuân năm 1975 là trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Trong chiến thắng vinh quang và tự hào đó, có đóng góp to lớn của đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu. Là một trong những địa bàn trọng điểm của khu Tây Nam Bộ, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh, góp phần cùng quân, dân cả nước đấu tranh, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của địch.
Ngày 30/4/1975, bằng sự mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, Ban Chỉ huy tổng công kích của tỉnh Bạc Liêu đã kết hợp sáng tạo giữa đấu tranh chính trị, binh vận với việc điều lực lượng vũ trang áp sát thị xã tỉnh lỵ tạo sức ép về quân sự; tổ chức đấu tranh tâm lý, thuyết phục, vận động chính quyền ngụy từ bỏ ý định tử thủ, buông súng đầu hàng, "bàn giao chính quyền" vô điều kiện cho cách mạng mà không phải đổ máu.
Với sự tự hào và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Ðảng, đảng bộ, quân và dân trong tỉnh nguyện đoàn kết một lòng, phát huy thành tựu đạt được, khắc phục hạn chế, vượt qua mọi khó khăn, chung sức đồng lòng, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới. Sau 50 năm thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh Bạc Liêu đã chuyển mình theo sự phát triển của đất nước và thế giới. Hiện tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người ước đạt 70,66 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 31.700 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,18 tỷ USD năm 2024. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét; công tác chăm lo cho gia đình chính sách, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 0,1%...
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng mật thiết, niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ ngày càng được củng cố, nâng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định khen thưởng cho 26 tập thể tiêu biểu, xuất sắc nhằm ghi nhận thành tích và công lao đóng góp cho sự phát triển của tỉnh sau 50 năm giải phóng,
Dịp này, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu đã kính tặng những phần quà ý nghĩa tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhân chứng lịch sử, cán bộ lão thành cách mạng.
*Cùng ngày, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, có được hòa bình, độc lập, tự do, cuộc sống yên bình hôm nay, nhân dân Kiên Giang phải trải qua sự hy sinh, mất mát, đau thương lớn lao. Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh có trên 13.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 100.000 đồng bào vĩnh viễn nằm xuống và hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh. Đặc biệt, kẻ thù xây dựng ở Phú Quốc một trại giam lớn, có lúc giam cầm, tra tấn trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ, thủ tiêu hơn 5.000 người, trong đó có hơn 4.000 người chưa tìm được hài cốt.
Với trang sử vẻ vang, oanh liệt đó, Kiên Giang có 57 tập thể, 28 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 461 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 22.000 tập thể và cá nhân được tặng thưởng 38.000 huân chương, huy chương các loại. Toàn tỉnh có hơn 30.000 gia đình có công với cách mạng. Đó là những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng ngời truyền thống kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, dân và quân tỉnh Kiên Giang anh hùng.
Sau 50 năm giải phóng, Kiên Giang vươn lên trở thành một trong những tỉnh có quy mô kinh tế tốp đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2024, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng; sản lượng lúa 4,7 triệu tấn, đứng đầu cả nước; sản lượng thủy sản hơn 800.000 tấn, tăng hơn 4,5 lần so những năm đầu giải phóng; du lịch phát triển mạnh mẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thu hút hơn 9,8 triệu lượt khách, trong đó gần 1 triệu lượt khách quốc tế.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn và đô thị của tỉnh chuyển biến tích cực, 8/15 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã nông thôn mới nâng cao và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ đô thị hóa chiếm trên 36%, trong đó có 2 đô thị loại I là thành phố Rạch Giá và Phú Quốc. Số hộ khá, giàu không ngừng tăng lên, nếu như năm 1976 hộ nghèo chiếm trên 50% thì hiện nay tỉnh còn 0,99%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, mặt bằng dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân sau 50 năm có sự thay đổi rõ rệt.
Tỉnh đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, hiệu quả chính sách đền đơn đáp nghĩa đối với người có công, hiện có trên 8.340 đối tượng hưởng trợ cấp, với số tiền trên 23 tỷ đồng/tháng.
Kiên Giang xây dựng nhiều công trình lịch sử, văn hóa để tri ân, tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ ông cha như: Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc, Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công tại huyện Vĩnh Thuận; Đền thờ anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C tại huyện Giang Thành; Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và người có công tỉnh tại thành phố Rạch Giá./.