An sinh

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” - Điểm tựa lan tỏa yêu thương

Những người mẹ đỡ đầu là cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn cả nước đã yêu thương, chia sẻ với các con mồ côi như chính con đẻ của mình, giúp các em có được điểm tựa vững chắc, hướng đến tương lai.

Gala tổng kết Trại hè "Hoa hướng dương". (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

TTXVN - Sau hai năm triển khai, Chương trình "Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Hàng nghìn trẻ mồ côi được nhận nuôi dưỡng, giúp các cháu có "điểm tựa" vững chắc để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, phát triển toàn diện. Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, những người "Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay yêu thương, thực hiện phương châm "Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu".

*"Điểm tựa" yêu thương

Giữa năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, cũng là thời điểm chị Đào Thị Thanh An (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cùng với chị em trong xã thường xuyên đi quyên góp thực phẩm gửi lên tiếp tế cho bà con địa phương đi làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... đang kẹt lại chỗ trọ khi những nơi này thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: “ai ở đâu, ở yên đó”.

Công việc tiếp tế như là cơ duyên đã đưa chị An đến nơi ở của ba cháu nhỏ: Đ.T.T.L (sinh năm 2008, học lớp 9); Đ.Đ.K (sinh năm 2010, học lớp 6) và Đ.T.T.L (sinh năm 2012, học lớp 5). Cha mẹ ba cháu đi làm công nhân tại Bình Dương và gửi các cháu lại nhà cho ông bà ngoại chăm sóc. Thật không may, bố các cháu bị mắc COVID -19 và đã không qua khỏi. Mẹ các cháu ở lại phòng trọ một mình với nỗi đau mất chồng, mất việc, nhớ thương, lo lắng tột cùng cho các con đang hụt hẫng tinh thần và thiếu thốn mọi thứ chốn quê nhà. Thấu hiểu được nỗi mất mát lớn lao cùng sự khó khăn của gia đình, chị An cùng một số chị em trong tổ chức Hội đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, gạo, thực phẩm, vật dụng... giúp các cháu ổn định cuộc sống và duy trì việc học.

Với suy nghĩ “Thương người như thể thương thân", "đã thương thì thương cho trót”, cuối năm 2021, chị An lại tiếp tục vận động mạnh thường quân xây cho các cháu một căn nhà lá. Ngày ba mẹ con đoàn tụ cũng là ngày tro cốt người chồng, người cha được mang về với vợ con.

Em N.T.A.Q ở xóm Tân Lập, xã Thịnh Minh (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) mất bố khi mới 3 tuổi. Q và mẹ cùng chị gái phải dựa vào nhau để vượt qua nỗi đau. Gia đình thuộc hộ nghèo, một mình mẹ sức yếu, bệnh tật triền miên vẫn phải gồng gánh nuôi hai con nhỏ ăn học. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của mẹ con chị Chi, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thịnh Minh đã nhận đỡ đầu Q, cùng đồng hành với em và gia đình trong cuộc sống.

Có thể thấy, nỗi đau mất cha mẹ của các em nhỏ không gì có thể bù đắp được, nhất là khi được sinh ra trong những gia đình đa phần đều là hộ khó khăn. Những người mẹ đỡ đầu là cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn cả nước đã yêu thương, chia sẻ với các con mồ côi như chính con đẻ của mình, giúp các em có được điểm tựa vững chắc, hướng đến tương lai.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hòa Bình Phạm Thị Phương cho biết, sau một thời gian triển khai, chương trình "Mẹ đỡ đầu” đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của cán bộ, hội viên phụ nữ và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay, góp sức cùng chính quyền các cấp giúp đỡ, chăm lo, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Qua rà soát, địa bàn thành phố có 198 trẻ mồ côi, trong đó ba cháu mồ côi do dịch COVID-19 và các nguyên nhân khác. Các cấp Hội đã lựa chọn kết nối nhận đỡ đầu 32 cháu bằng các hình thức về tài chính cho trẻ hằng tháng đến tuổi trưởng thành, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo…

Để chương trình thực sự lan tỏa và có tính bền vững, thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp thành phố Hòa Bình tiếp tục hình thành mạng lưới quản lý chương trình; rà soát số trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhằm kịp thời hỗ trợ; tăng cường kết nối, huy động ngày càng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ. Các cấp Hội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu ý nghĩa của chương trình. Từ đó, Hội huy động sự chung tay, vào cuộc của mọi người nhằm giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt thiệt thòi, yên tâm học tập, rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội.

*Duy trì tính bền vững của mô hình "Mẹ đỡ đầu"

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu trong Chương trình "Hoa hướng dương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau gần 2 năm triển khai, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã được hầu hết Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi. Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân đồng hành, đã thực sự trở thành những "điểm tựa" yêu thương của trẻ mồ côi trên khắp mọi miền đất nước. Đến nay, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được 115 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 19.760 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch COVID-19.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, tính đến thời điểm này, nhiều địa phương đã đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do COVID-19 trên địa bàn có mẹ đỡ đầu, nhiều tỉnh/thành Hội đã thực hiện cam kết hỗ trợ đỡ đầu không chỉ con mồ côi do COVID -19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác; nhiều “Mẹ đỡ đầu” đã cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học. Tính đến nay, hầu hết các trẻ mồ côi do COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước đã được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.

Mặc dù Chương trình mới chỉ bắt đầu cho một hành trình dài đồng hành cùng trẻ nhưng bước đầu đã hạn chế được sự trùng lặp trong điều phối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo các con được hỗ trợ tương đối đồng đều, tránh bỏ sót. Bên cạnh việc hỗ trợ các con về vật chất, tinh thần, các cấp Hội còn đặc biệt chú trọng tới việc kết nối, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng các con mồ côi phù hợp với độ tuổi, tư vấn chăm sóc sức khoẻ, tâm lý, tư vấn định hướng nghề nghiệp, liên hệ cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ kết nối thông tin liên lạc giữa Mẹ đỡ đầu và các con, nhắc nhở trẻ học tập, hướng dẫn làm việc nhà...

 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt đoàn đại biểu dự trại hè "Hoa hướng dương" năm 2023. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu dự trại hè "Hoa hướng dương" năm 2023 mới đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá, sau gần hai năm triển khai, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã thực sự trở thành "điểm tựa" lan tỏa yêu thương cho trẻ mồ côi trên khắp mọi miền đất nước.

Cùng với việc nâng cao nhận thức và hành động của xã hội về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Phó Chủ tịch nước yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục duy trì nề nếp hoạt động, tính bền vững của mô hình "Mẹ đỡ đầu". Thời gian tới cần nghiên cứu và lan tỏa thêm các mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để giúp đỡ thêm nhiều phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có điều kiện phát triển.

Với thông điệp "Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau. Hãy hành động vì một tương lai hạnh phúc, tươi sáng của các em", chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội.

Chương trình đã đem đến cho trẻ em bị thiệt thòi không chỉ có thêm người mẹ, mà còn thêm nhiều người thân, thêm mái ấm gia đình với những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cả về vật chất và tinh thần. Chương trình thực sự là "cầu nối" yêu thương - đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành cùng trẻ mồ côi, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các cháu./.


Đỗ Bình

Xem thêm