Theo giáo lý đạo Phật, bốn Ân mà người con Phật luôn phải ghi nhớ, đó là: Ân dưỡng dục sinh thành của cha mẹ; ân quốc gia xã hội; ân Tam bảo Sư trưởng, thầy cô dạy học và ân chúng sinh vạn loại.
TTXVN - Trong không khí thiêng liêng, ấm tình yêu thương mùa Vu Lan báo hiếu, tối 24/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Thông tin truyền thông Trung ương - Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Phật học phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển truyền thông văn hóa Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc” năm 2023.
Chương trình được tổ chức với mục đích xiển dương đạo pháp, phát huy truyền thống hiếu đạo của dân tộc nói chung và đạo hiếu Phật giáo nói riêng; lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp của đạo hiếu tới cộng đồng phật tử, những người mến mộ đạo Phật trong và ngoài nước.
Tham dự Chương trình có nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, lãnh đạo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện các bộ, ban, ngành.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương - Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình cho biết, Vu Lan là một ngày lễ lớn quan trọng của đạo Phật, dân gian thường gọi là ngày xá tội vong nhân, ngày báo hiếu cha mẹ và ông bà tổ tiên. Rộng hơn theo giáo lý đạo Phật, bốn Ân mà người con Phật luôn phải ghi nhớ, đó là: Ân dưỡng dục sinh thành của cha mẹ; ân quốc gia xã hội; ân Tam bảo Sư trưởng, thầy cô dạy học và ân chúng sinh vạn loại.
Ngày nay, lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần là một ngày lễ tôn giáo thiêng liêng, mà còn là một ngày lễ của tình người có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, với tổ tiên. Lễ Vu Lan đã trở thành truyền thống tinh thần báo hiếu, báo ân phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là đại lễ mang tinh thần đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, xã hội thanh bình, quốc gia hưng thịnh, thế giới an lạc phải bắt đầu từ những con người biết tôn trọng giá trị và thực hành đạo đức, thực hành hiếu đạo. Trong Kinh Nhẫn Nhục, đức Phật có dạy: "Thiện cùng cực không gì hơn hiếu, ác cùng cực không gì hơn bất hiếu". Từ nghìn xưa cho đến nay, hiếu hạnh được xem như khuôn vàng, thước ngọc để thẩm định giá trị đạo đức con người.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2023” với mục đích tôn vinh và phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn - tri ân và báo ân các vị tiền bối, các Anh hùng Liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh và những người có công với đất nước.
“Chúng ta không thể nào quên công ơn của các Anh hùng Liệt sỹ. Sự hy sinh cao cả của các anh đã giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau thấu hiểu: Chữ hiếu cá nhân đôi khi cần lặng lẽ bỏ lại phía sau để nhường chỗ cho chữ hiếu với Tổ quốc, với dân tộc và chúng sinh vạn loại”, Hòa thượng Thích Gia Quang nói.
Ngày nay, chúng ta được sống trong tinh thần tri ân, báo ân, đền ơn đáp nghĩa của truyền thống Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Chương trình “Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc” năm 2023 là nén tâm hương thành kính tri ân của thế hệ con cháu hôm nay và mai sau kính dâng lên hương linh những người đã khuất, các bậc tiền nhân đã có công sinh thành dưỡng dục, xây dựng và bảo vệ đất nước. Chương trình như một hồi chuông vang vọng thức tỉnh những người con trở về với thực tại để lắng nghe, để thấu hiểu, để cảm nhận về ngọn nguồn yêu thương của các đấng sinh thành, cùng chung tay chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ những người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa, thể hiện truyền thống kính lão đắc thọ của dân tộc Việt Nam.
Hòa thượng nhắc nhở “tất cả chúng ta đang chịu ơn của các Anh hùng Liệt sỹ, do đó, đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt việc đền ơn đáp nghĩa. Mỗi người tùy theo sức của mình hãy làm những việc thật cụ thể, thiết thực, bằng tấm lòng, phấn đấu để tất cả gia đình có công với nước có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Kêu gọi chung tay, cùng nhau xây dựng xã hội hòa bình, giàu tình yêu thương và lòng biết ơn sâu sắc, Hòa thượng Thích Gia Quang cầu nguyện cho mọi người đều được sống trong bình an, hạnh phúc, giác ngộ tình yêu thương và giữ trọn đạo hiếu với tinh thần tri ân, báo ân của những người con Phật.
Với những điểm nhấn đặc biệt về mặt nghệ thuật, Chương trình đã mang đến những tiết mục đặc sắc, sâu lắng, chan chứa tình yêu thương. Các vị khách mời đã chia sẻ những câu chuyện về đạo hiếu, ý nghĩa của sự hy sinh và trách nhiệm chung tay hỗ trợ các gia đình có công, người yếm thế.
Trong khuôn khổ Chương trình, Ban Tổ chức đã tặng quà tri ân một số Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh và người có công.
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, trước đó, vào tháng 7/2023, Ban Tổ chức Chương trình đã kết hợp cùng các nhà tài trợ trao tặng quà đến một số thương, bệnh binh, cựu chiến binh huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Trước khi Chương trình diễn ra, trong ba ngày từ 20 - 22/8, Ban Tổ chức đã có chuyến hành hương Côn Đảo, thắp nén tâm hương và tưởng niệm các Anh hùng - Liệt sỹ tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo; trao quà tặng các thương, bệnh binh, đại diện gia đình có công với cách mạng tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)./.