Chính phủ hành động

Chuyển đổi sang tư duy kinh doanh bao trùm, bền vững hơn

Ngày 27/4, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam".

Các vị khách mời dự Tọa đàm. (Ảnh: Quang Thương)

TTXVN - Tọa đàm cho thấy, xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Nhận thức rõ điều này, Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ tại COP26 khẳng định mong muốn của Việt Nam đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Thủ tướng đã ban hành Chiến lược xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch hành động, đồng thời hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đưa những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh vào các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã và đang lựa chọn Việt Nam để "xây tổ", như Lego, tập đoàn Nestlé… Đây là những minh chứng tiêu biểu nhất cho thấy, khối doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Doanh nghiệp FDI góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu về tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động toàn bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI đóng vai trò rất quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện phát triển bền vững bao trùm, trong đó có tăng trưởng xanh. Không chỉ giúp tạo ra sự thay đổi về nhận thức, tạo nguồn lực, kinh nghiệm để quản trị, công nghệ trang thiết bị hiện đại, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh trong sản xuất, các doanh nghiệp này còn hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chung tay, góp sức vì sự nghiệp tăng trưởng xanh chung.

Khu vực doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như năng lượng tái tạo, đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức độ tăng trưởng khá cao, từ 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt.

Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, ở Việt Nam còn khoảng cách rất xa giữa quyết tâm và thực hiện. Hiện nay, Nhà nước đã đặt ra quyết tâm về tăng trưởng xanh, nhưng các bước thực hiện chưa cụ thể để đạt được những mục tiêu ngắn hạn, chưa nói đến mục tiêu dài hạn. Chúng ta đã cam kết trong COP26 là năm 2050 đạt phát thải bằng 0. Như vậy, phải xây dựng lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu đó.

Kinh doanh bao trùm hơn, bền vững hơn

Đề cập đến cam kết của Thủ tướng tại COP26, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo con đường tăng trưởng xanh. Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp phải nhìn lại, soi mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh này, “để định vị lại giá trị của mình, không chỉ là vai trò mà chính là doanh nghiệp tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. Đây là lúc doanh nghiệp cần đưa ra những giá trị mới để đáp ứng được những nhu cầu mới, nhu cầu phát triển xanh và bền vững, phát triển bao trùm”.

Nhận thức được vấn đề này, ngay từ đầu những năm 2010, VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã làm việc rất chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham khảo các ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp ở 3 miền Bắc, Trung, Nam trong quá trình giúp Chính phủ xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. (Ảnh: Quang Thương)

Theo ông, một cuộc đua xanh đã âm ỉ kéo dài 2-3 thập kỷ ở châu Á và châu Âu, trong đó ở châu Á nổi lên là Hàn Quốc, Nhật Bản cùng những nước khác. Đặc biệt là Trung Quốc, sau khi đã trả giá đắt về tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, hiện nước này đứng đầu thế giới về đầu tư vào tăng trưởng xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh và nhiều nguồn khác. Đây là một cuộc đua màu xanh. Và doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Ông cũng cho rằng, "xanh" ở đây không chỉ là nói về doanh nghiệp, mà cả về khoa học công nghệ. Nếu cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chúng ta phải chọn lọc, đưa ra những tiêu chí để họ đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến nhất nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Điều này là thực hiện cam kết của Thủ tướng. Để nền kinh tế của chúng ta từ nay đến năm 2050 giảm phát thải bằng 0, thì công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Hiện nay, Nestlé cùng nhiều doanh nghiệp khác trong Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam đang là những doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa ra các kế hoạch, như kế hoạch vận hành nhà máy sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Từ góc độ một doanh nghiệp chú trọng phát triển xanh, ông Chris Hogg - Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé chia sẻ, Việt Nam đặt phát thải ròng bằng 0, Tập đoàn này cũng mong muốn trở thành một doanh nghiệp đạt phát thải bằng 0.

Trong toàn bộ quy trình sản xuất, Nestlé khuyến khích, động viên 600.000 nhà nông trong chuỗi cung ứng của mình trên khắp thế giới áp dụng những công nghệ về nông nghiệp tái sinh và có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon cũng như quá trình hấp thụ của khí quyển để tăng cường chất lượng của đất.

“Như vậy, chúng ta sẽ thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động và có những ưu tiên đối với vấn đề về sức khỏe, giúp cho nhà nông có thể tăng được năng suất, hiệu quả của họ, nhưng đồng thời vẫn giảm thiểu sử dụng hóa chất trong sản xuất”, ông Chris Hogg nói.

Vị lãnh đạo này cũng chia sẻ mong muốn các nhà máy, hệ thống trung tâm phân phối của mình chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo những sản phẩm từ sinh khối. 

“Tôi tin tưởng chúng ta sẽ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam, từ các đối tác của chúng tôi. Điều chúng tôi cảm nhận rất rõ ràng đó là mục tiêu vì lợi ích của Việt Nam, vì lợi ích của Nestlé, cũng như những người cùng chí hướng”, ông cho biết.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, đã đến lúc các doanh nghiệp phải chuyển đổi tư duy từ kinh doanh truyền thống vị lợi nhuận sang kinh doanh bao trùm hơn, bền vững hơn. Kinh doanh tạo ra những giá trị mới không chỉ về kinh tế, mà còn tạo ra những giá trị về mặt xã hội và kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường. Đó chính là những giá trị mới trong trong thế kỷ XXI mà các doanh nghiệp Việt Nam cần theo đuổi.

Vấn đề về thực hành kinh doanh có trách nhiệm là hết sức quan trọng. Trong Chiến lược tăng trưởng xanh, một trong những nội hàm quan trọng là xanh hóa các ngành công nghiệp và sản xuất.

Ông cũng khẳng định rằng, doanh nghiệp không thể phát triển bền vững khi không đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Kinh doanh theo kiểu truyền thống, vị lợi nhuận đã không còn là sự lựa chọn tối ưu nữa. Các doanh nghiệp ngày nay cần kinh doanh để phù hợp với xu thế, đáp ứng được nhu cầu phát triển mới của xã hội./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm