Khoa học

Chính sách và quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường tăng cao, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết hướng tới mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050". Do đó, việc xây dựng chính sách và quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng.

Điện gió, một trong những lĩnh vực trong kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

(TTXVN 8/12) Ngày 8/12, tại Hà Nội, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo "Chính sách và quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế tuần hoàn".

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng (Reuse) thông qua chia sẻ (Sharing), sửa chữa (Repair), tân trang (Refurbishment), tái sản xuất (Remanufacturing) và tái chế (Recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường tăng cao, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết hướng tới mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050". Do đó, việc xây dựng chính sách và quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Để cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được Việt Nam thực hiện theo đúng mục tiêu thì khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định trong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Vì vậy, mục tiêu và nhiệm vụ mang tính định hướng để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Đặc biệt, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải tạo sự thay đổi rộng rãi, nâng cao ứng dụng về công nghệ để tạo giá trị gia tăng, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, sự cạnh tranh về dịch vụ, tạo các giải pháp công nghệ xanh cho Việt Nam nhằm hướng tới bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, tham luận của đại biểu đến từ các nước: Thái Lan, Indonesia cho rằng, tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của Việt Nam cho thấy sự chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng nhằm hướng tới bền vững lâu dài. Kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực sẽ giúp ích cho Việt Nam chuyển đổi kinh tế - xã hội trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững Việt Nam cần xây dựng chính sách và quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về các vấn đề như: Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; phát triển mô hình ươm tạo doanh nghiệp thành mô hình phát triển kinh tế cộng đồng bền vững cho cộng đồng trung tâm y học thảo dược ở Indonesia; mô hình cố vấn kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ bởi Bộ Công nghiệp Cộng hòa Indonesia; phương pháp xác định các ngành công nghiệp mới nổi thâm dụng tri thức tại Việt Nam, phân tích lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng của công nghệ; các yếu tố hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành cà phê của Thái Lan./.

 

HL

Xem thêm