Lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo
Tại Diễn đàn, chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về chính sách, khả năng nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận công nghệ mới, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp; chia sẻ ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
(TTXVN) Các cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã và đang được hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ. Để phát huy hiệu quả, các cơ chế, chính sách cần hướng đến lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đây là nội dung được nêu ra tại Diễn đàn kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đối tác tổ chức chiều 7/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam được hình thành, chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm để các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Những thành công ban đầu đã được ghi nhận. Theo công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia. Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Theo ông Trần Văn Tùng, sự cải thiện thấy rất rõ ở những chỉ số liên quan mật thiết nhất với NIS (Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia) như: tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển, số lượng nhà nghiên cứu trong doanh nghiệp đều tăng đáng kể. Khu vực doanh nghiệp đang hướng tới trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo với sự vào cuộc của một số tập đoàn kinh tế lớn.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, hiện còn nhiều chính sách cần cải thiện, một số hạn chế như hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tồn tại nhiều rào cản, chưa có hành lang pháp lý cho sản phẩm, dịch vụ mới. Nhân lực công nghệ thiếu hụt về chất lượng và số lượng; liên kết giữa các chủ thể tham gia vào đổi mới sáng tạo chưa chặt chẽ…
Dẫn chứng từ lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành công nghiệp này đã có những bước tiến vượt bậc. Trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản, năng lực chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, thiếu công suất, nhất là cao điểm của mùa vụ (sản lượng rau quả đưa vào chế biến đạt 5 - 8 %; sản phẩm chăn nuôi đạt 8 -10%...). Cơ sở chế biến một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và năng lượng, năng suất thấp.
Tại Diễn đàn, chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về chính sách, khả năng nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận công nghệ mới, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp; chia sẻ ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng ban Quản lý Khoa học và Đào tạo (Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo) cho rằng, doanh nghiệp cần căn cứ định hướng ưu tiên phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xác định, xây dựng các định hướng phát triển của doanh nghiệp; qua đó liên kết có trọng tâm, trọng điểm với viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản lý. Đây là hai năng lực cốt lõi để cải thiện kết quả đổi mới sáng tạo và năng suất, chất lượng. Trong đó, cần tăng cường áp dụng và phổ biến công nghệ; áp dụng mô hình kinh doanh mới; cộng tác với các công ty đa quốc gia công nghệ cao, doanh nghiệp FDI thông qua liên kết hoặc hợp tác trong nghiên cứu phát triển”, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ./.
Tiến Lực
- Từ khóa:
- Diễn đàn
- kết nối đổi mới sáng tạo
- năm 2022