Các doanh nghiệp số cần có khát vọng lớn, tiên phong nhận nhiệm vụ để góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Sáng 8/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam 2022).
Đây là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghệ số Việt Nam, có vai trò dẫn dắt, định hình đường hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ nhiều ý kiến mang tính tổng quan của ngành công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện tại và thông điệp gửi đến cộng đồng doanh nghiệp số tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển, có một cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hóa và một nền sản xuất hiện đại, Việt Nam phải làm rất nhiều việc phi thường.
Trong đó, từ năm 2020-2030, mục tiêu đặt ra là Việt Nam phải tăng trưởng GDP 7,5%/năm và từ năm 2031 trở đi cũng phải hơn 6% một năm. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam nói chung và ngành công nghệ thông tin nói riêng phải có những giải pháp đặc biệt, khát vọng mãnh liệt, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Điểm lại chặng đường hơn 20 năm qua, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn (FPT, CMC, VNPT…) đã và đang có nhiều đóng góp to lớn cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh công nghệ mang sứ mệnh mở đường. Phó Thủ tướng đề cập đến 3 vấn đề là thế chế, nhân lực và những bài toán mới cần được giải quyết bằng công nghệ số hiện đại.
Để phát triển và gánh vác những phần việc quan trọng Chính phủ giao cho ngành công nghệ thông tin, các doanh nghiệp công nghệ số Việt cần thiết lập lực lượng, có người dẫn dắt, đoàn kết để mạnh dạn bước ra nước ngoài với tinh thần tự tin. Đồng thời, tại Việt Nam, những giải pháp công nghệ phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ Chính phủ và người dân.
Phó Thủ tướng đề xuất cộng đồng công nghệ thông tin, các doanh nghiệp công nghệ số cần làm cùng nhau, đặt ra bài toán thật cụ thể, làm đến cùng. Các hiệp hội công nghệ thông tin cần phát triển, thể hiện đúng vai trò.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định, các doanh nghiệp cần có khát vọng lớn, tiên phong nhận nhiệm vụ để góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Các doanh nghiệp phải biến công nghệ số thành động lực quan trọng cho sáng tạo, đổi mới sáng tạo bằng công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét thay đổi thể chế để phù hợp, giúp các doanh nghiệp số phát triển; đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, trở thành nòng cốt cho quá trình chuyển đổi số quốc gia; cùng cộng đồng doanh nghiệp, đẩy mạnh khai phá thị trường trong nước, đổi mới cách làm, lấy thị trường trong nước làm bàn đạp ra nước ngoài…
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp với tư tưởng tạo ra nhiều sản phẩm do người Việt làm chủ...
Công nghiệp công nghệ số là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số là trên 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo.
Tham dự Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin về xu hướng công nghệ thông tin toàn cầu; đề xuất các giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam bền vững, làm chủ thị trường trong nước, nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC đề cập đến vấn đề phát triển hạ tầng số. Để thúc đẩy hạ tầng điện toán đám mây (Cloud), Chính phủ cần coi hạ tầng số là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số từ đó có chính sách ưu tiên, ưu đãi cao nhất đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước (đặt hàng sử dụng) và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT đã có chia sẻ về lĩnh vực gia công phần mềm của Việt Nam. Khẳng định công nghệ thông tin sẽ đóng góp rất lớn vào hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt khi Việt Nam nỗ lực để phát triển kinh tế tuần hoàn, chúng ta phải có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
Ông Nguyễn Văn Khoa đề xuất quốc gia cần có những bài toán lớn cho doanh nghiệp, thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cần hợp lực để đẩy mạnh thương hiệu số quốc gia và phát triển nguồn nhân lực.
Bên lề Diễn đàn là triển lãm trực tiếp và trực tuyến trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu, phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số./.