Xã hội

Chuyển đổi số - chìa khóa để phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Bến Tre

Một trong các giải pháp để phụ nữ khởi nghiệp thành công trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là phụ nữ cần nâng cao năng lực, trí tuệ để tiếp nhận những cái mới; nâng cao kỹ năng mềm, khả năng kết nối và khả năng thích ứng.

Chuyển đổi số - chìa khoá để phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Ảnh: Chương Đài/TTXVN 

Chiều 18/12, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số, chìa khóa để phụ nữ khởi nghiệp thời kỳ hội nhập quốc tế” năm 2024.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về các giải pháp để phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thời kỳ hội nhập; các mô hình kinh doanh cho phụ nữ khởi nghiệp dưới góc nhìn pháp lý; phụ nữ khởi nghiệp - cơ hội tự chủ trong cuộc sống…

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Quang Hải, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), một trong các giải pháp để phụ nữ khởi nghiệp thành công trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là phụ nữ cần nâng cao năng lực, trí tuệ để tiếp nhận những cái mới; nâng cao kỹ năng mềm, khả năng kết nối và khả năng thích ứng. Chuyển đổi số và thương mại điện tử hiện nay đối với phụ nữ khi có ý định kinh doanh đều gặp khó khăn trong tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các tổ chức xã hội cần hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tăng cường sự liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước, các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến thương mại, giúp phụ nữ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Tiến sĩ Hồ Minh Sơn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) thông tin, trong thời gian qua, cả nước có gần 270.000 cuộc tuyên truyền cho hơn 18,5 triệu hội viên phụ nữ về việc làm, khởi nghiệp, tăng 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua; gần 79.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 5.908 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; gần 80.000 doanh nghiệp của phụ nữ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Ông Hồ Minh Sơn đánh giá, các nữ doanh nhân Bến Tre không chỉ kiên trì, bền bỉ “chèo lái” hoạt động kinh doanh vượt qua các khó khăn mà còn năng động, sáng tạo, đem bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết của người phụ nữ Việt dấn thân vào các lĩnh vực vừa mới, vừa khó- vốn được coi là thế mạnh của nam giới như công nghệ thông tin và các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch… Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ còn nhiều hạn chế về quy mô, nguồn vốn, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn, chưa tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu…

Viện trưởng IMRIC cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ có những hoạt động phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre để xây dựng, đề xuất các chính sách; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể… Đồng thời, phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trong việc hoạch định chiến lược truyền thông, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh cá nhân...

Theo thống kê, trong giai đoạn 2017 - 2024, Bến Tre đã hỗ trợ 106 mô hình khởi nghiệp, 2.214 phụ nữ tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ tư vấn, khởi sự và phát triển 1.336 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Bến Tre hiện có 1.464 doanh nghiệp do nữ làm chủ; có 26/193 hợp tác xã và 244/1.161 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý./.

Chương Đài

Tin liên quan

Xem thêm