Chuyển đổi số đang dần trở thành một nhiệm vụ chiến lược của Liên hiệp hội nhằm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững, thích ứng với thời đại công nghệ số và đáp ứng chỉ đạo mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 18/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo “Định hướng công tác chuyển đổi số của Liên hiệp hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.
Phát biểu tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Liên hiệp hội đã nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của chuyển đổi số. Thời gian qua, Liên hiệp hội đã tích cực hỗ trợ các hội thành viên tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo về chuyển đổi số, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chuyển đổi số đang dần trở thành một nhiệm vụ chiến lược của Liên hiệp hội nhằm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững, thích ứng với thời đại công nghệ số và đáp ứng chỉ đạo mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo ông Nguyễn Quyết Chiến, nhiệm vụ chính của Liên hiệp hội gồm: Tư vấn, phản biện, giám định xã hội các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, khơi dậy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng; tôn vinh trí thức; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới. Việc chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp Liên hiệp hội và các đơn vị trực thuộc nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, triển khai các hoạt động trong toàn hệ thống, kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia, đưa khoa học đến gần hơn với người dân.
Đánh giá về những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số, Tiến sỹ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ Liên hiệp hội cho biết, đến nay các đơn vị trong Liên hiệp hội đã thường xuyên sử dụng mã QR, scan tài liệu, ứng dụng phần mềm quản lý nội bộ; tuy nhiên, Liên hiệp hội vẫn chưa có chiến lược chuyển đổi số cụ thể và đồng bộ, thiếu nguồn lực và kinh phí đầu tư. Giai đoạn 2025-2030, Liên hiệp hội sẽ xây dựng đề án chuyển đổi số, tập trung vào số hóa dữ liệu tổ chức và chuyên gia, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hạ tầng và phần mềm quản lý; đồng thời, kết nối với hệ thống văn bản quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên số.
Chia sẻ lộ trình chuyển đổi số của Liên hiệp hội giai đoạn 2025-2030, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và chuyển đổi số nêu rõ, lộ trình đặt mục tiêu số hóa 80% dữ liệu hội viên trong 3 năm, phát triển nền tảng phản biện trực tuyến tích hợp AI, xây dựng thư viện số và cổng tri thức mở với ít nhất 1 triệu lượt truy cập/năm. Ngoài ra, trong quản lý nội bộ, cần triển khai hệ thống trực tuyến cho văn bản, tài chính, giảm 30% chi phí quản lý và rút ngắn thời gian xử lý công việc; đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, đảm bảo 100% cán bộ chủ chốt được trang bị kiến thức công nghệ. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế qua các nền tảng số, tham gia dự án toàn cầu và huy động nguồn tài trợ quốc tế.
Tiến sỹ Lê Doãn Hợp, Chủ tịch danh dự Hội truyền thông số Việt Nam cho rằng, hạ tầng thông tin và truyền thông, đặc biệt là hạ tầng số, là nền tảng cốt lõi cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới, kết nối không gian số với không gian vật lý truyền thống, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo Tiến sỹ Lê Doãn Hợp, cần ưu tiên phát triển theo định hướng “make in Vietnam”, sử dụng các giải pháp do người Việt làm chủ để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia.
Bên cạnh đó, hạ tầng số cần hỗ trợ triển khai nhanh chóng, toàn diện các hoạt động xã hội trong môi trường số. Dữ liệu được xem là tài nguyên quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường cạnh tranh quốc gia. Do đó, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào điện toán đám mây, hướng tới trở thành trung tâm dữ liệu hàng đầu khu vực. Phát triển hạ tầng số hiện đại cũng là chìa khóa cho sự vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã chia sẻ ý kiến, đóng góp giải pháp xây dựng chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, khả thi, phù hợp với đặc thù hoạt động của Liên hiệp hội. Đồng thời, thảo luận về các giải pháp đột phá trong xây dựng hạ tầng số, nền tảng dữ liệu và công cụ số hóa nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; phát huy tối đa vai trò của Liên hiệp hội trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
- Từ khóa:
- Chuyển đổi số
- số hoá