Khoa học

Sở hữu trí tuệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu để được bảo hộ phải đăng ký và phải trải qua quá trình thẩm định nội dung lâu dài, không trùng lặp, không xảy ra tranh chấp.

Hội thảo Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ chủ lực sau khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 
Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Việc áp dụng quyền sở hữu trí tuệ hay gọi là xác lập quyền cho tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp bảo vệ thành quả đổi mới, giảm rủi ro khi giới thiệu sản phẩm mới và tăng uy tín trên thị trường. Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu để được bảo hộ phải đăng ký và phải trải qua quá trình thẩm định nội dung lâu dài, không trùng lặp, không xảy ra tranh chấp.

*Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết để thực hiện việc xác lập quyền; đồng thời nâng cao nhận thức và tầm quan trọng trong việc đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; các thủ tục hướng dẫn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ theo quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ Cục Sở hữu trí tuệ cùng Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương đã hỗ trợ tất cả các chủ thể nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ thông qua đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong sản xuất kinh doanh và hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Nhấn mạnh tính chuyên sâu trong việc xác lập quyền đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới, bà Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trước khi thực hiện xác lập quyền cần tham gia các khóa học hay chương trình đào tạo chuyên sâu do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với các địa phương tổ chức. Những khóa học được thiết kế riêng biệt dành cho các đối tượng đang hoạt động hành nghề liên quan trực tiếp đến việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, quản trị nhãn hiệu, đặc biệt là đội ngũ luật sư, người hành nghề tư vấn, pháp chế doanh nghiệp muốn trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn để phục vụ tốt hơn trong công việc.

Qua đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ có một hệ thống kiến thức, quy định pháp luật mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ về bảo hộ nhãn hiệu, từ đó ứng dụng các kiến thức pháp lý trong việc thực hiện nhận diện đối tượng, đánh giá khả năng bảo hộ và soạn thảo bộ hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu đáp ứng yêu cầu xác lập quyền.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, doanh nghiệp cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tạo ra giá trị khác biệt và khả năng nhận diện đối với người tiêu dùng thông qua các đối tượng sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu. Để xác lập được quyền, doanh nghiệp cần có các kỹ năng cũng như phải hiểu rõ về sở hữu trí tuệ; hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế về sở hữu trí tuệ; quy trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và một số nội dung hỗ trợ thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ; các thủ tục đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn mới hiệu lực thi hành từ năm 2023 và 2024.

* Tìm hiểu pháp luật trước khi thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Ông Shige Watanabe, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đề xuất thúc đẩy các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam.
Ảnh: TTXVN phát

Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định nghiêm cấm việc doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu đang được bảo hộ của chủ thể khác làm tên doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, tên doanh nghiệp vẫn bị trùng với nhãn hiệu đang được bảo hộ. Để ngăn chặn tình trạng sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ làm tên doanh nghiệp tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP, Cục Sở hữu trí tuệ khuyến khích người đi đăng ký kinh doanh tham khảo cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu của Cục.

 Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, việc đăng ký nhãn hiệu phải trải qua một quá trình thẩm định nội dung kéo dài để đánh giá khả năng bảo hộ. Tuy nhiên, việc quy trình thẩm định đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và tên thương mại vẫn chưa được coi là một hoạt động chuẩn trong quy trình thẩm định hiện nay tại Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, trong quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, nguồn thông tin để tra cứu bắt buộc không bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp đã được đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Việc tra cứu các nguồn này chỉ là trường hợp cần thiết theo quan điểm của xét nghiệm viên phụ trách vụ việc.

Thực tế, nhiều trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu bị phản đối trên cơ sở quyền đối với tên thương mại đã được doanh nghiệp, tổ chức đăng ký. Điều này dẫn đến phát sinh tình huống xung đột quyền lợi giữa người nộp đơn và người phản đối. Do đó, việc tra cứu thêm các thông tin này là cần thiết để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Khi xảy ra tranh chấp, thời gian xác lập tính từ sau khi tranh chấp quyền lợi giữa người nộp đơn và người phản đối được xử lý xong. Ngoài ra, nhiều trường hợp sau khi xác lập quyền đối với nhãn hiệu vẫn xảy ra xâm phạm và chủ thể không thể yêu cầu bên xâm phạm quyền chấm dứt hành vi xâm phạm cũng như yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành xử lý các hành vi xâm phạm quyền theo quy định.

Hiện trên thị trường có tình trạng vừa tồn tại một nhãn hiệu vừa là tên thương mại của chủ thể khác khiến cho khách hàng có thể nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Về việc đặt tên doanh nghiệp, chưa có bất cứ quy định mang tính chất bắt buộc nào đối với người đăng ký kinh doanh liên quan đến việc đảm bảo không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của chủ thể khác nên trong nhiều trường hợp, người đăng ký kinh doanh cố tình đặt tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đang được bảo hộ. Tình trạng này đặc biệt phổ biến đối với những nhãn hiệu nổi tiếng đã được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ khuyến cáo và lưu ý doanh nghiệp tổ chức cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu pháp luật trước khi thực hiện xác lập quyền.

Sở hữu trí tuệ nói chung, xác lập quyền đối với nhãn hiệu, thương hiệu nói riêng, đối với tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân không chỉ là nhiệm vụ pháp lý mà còn là điều kiện tiên quyết để thành công trong chiến lược kinh doanh, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.

 

PV

Xem thêm