Khoa học

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh thương mại điện tử

Do các đặc trưng của thương mại điện tử nên việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử khó khăn hơn rất nhiều so với thương mại truyền thống, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới, thách thức này đặt ra với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Long trên sàn thương mại điện tử “buudien.vn”. 
Ảnh: Phạm Minh Tuấn - TTXVN

Thương mại điện tử, với tính chất phi biên giới, đã tạo dòng lưu chuyển thông tin và hàng hóa, dịch vụ tới khắp nơi có kết nối Internet, xuyên biên giới quốc gia, giảm chi phí giao dịch, gia tăng tiếp cận thị trường và thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, cũng Chính tính chất phi biên giới của thương mại điện tử đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp, thực thi quyền đối với nhãn hiệu nói riêng.

* Lợi ích xuyên biên giới

Trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo toàn cầu, Internet đã trở thành công cụ mang tính cách mạng khi trao quyền cho người tiêu dùng và doanh nghiệp với những lợi ích xuyên biên giới, phi quốc gia, trên cơ sở đó, thương mại điện tử được định hình và phát triển, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế quốc gia và thế giới. Đây là nhận định của ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) tổ chức.

 Theo ông Trần Lê Hồng, thương mại điện tử cũng như bất kỳ nền tảng thương mại nào khác thường liên quan đến việc bán hàng hóa và dịch vụ dựa trên quyền sở hữu trí tuệ bởi quyền sở hữu trí tuệ đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời sở hữu trí tuệ là tài sản của đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân được tích hợp vào sản phẩm, dịch vụ lưu thông trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, Sở hữu trí tuệ có lẽ là yếu tố bị "bỏ quên" nhiều nhất dù mang lại giá trị cao trên thương mại điện tử vì mối liên hệ của quyền sở hữu trí tuệ với thương mại điện tử không dễ nhận diện. Do các đặc trưng của thương mại điện tử nên việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử khó khăn hơn rất nhiều so với thương mại truyền thống, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới, thách thức này đặt ra với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo ông Trần Lê Hồng, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu xảy ra trên môi trường thương mại điện tử cũng lan truyền rất nhanh và ở phạm vi rộng, tiếp cận người tiêu dùng trong thời gian ngắn nên vi phạm sở hữu trí tuệ là thách thức lớn đối với công tác thực thi và xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)
Ảnh: nguồn Bộ Khoa học và Công nghệ 

Trong thương mại truyền thống, việc xác định vi phạm sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu dựa trên việc xem xét trực tiếp về hàng hóa, dịch vụ có chứa những yếu tố xâm phạm nhãn hiệu. Quyền đối với nhãn hiệu trong thương mại truyền thống dựa trên nguyên tắc lãnh thổ, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được xem xét trong phạm vi quốc gia nơi nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ. Trong khi đó, với tính chất “phi biên giới” của thương mại điện tử, thì mạng lưới thông tin trong thương mại điện tử là những khu chợ ảo “sầm uất” nên nhãn hiệu xuất hiện khó xác định các yếu tố của hành vi xâm phạm như: đối tượng vi phạm, xác định các hành vi xâm phạm quyền trong thương mại điện tử, địa điểm, nơi xảy ra hành vi xâm phạm quyền… Nếu không xác định được hành vi xâm phạm thì không có cơ sở để xác định thẩm quyền xử lý, pháp luật áp dụng và các biện pháp xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu một cách phù hợp; đây là thách thức lớn trong xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, với tính chất “phi biên giới”, thương mại điện tử đã xóa nhòa khái niệm biên giới cố định với việc thành lập các website, các sàn giao dịch thương mại điện tử nên trong môi trường không gian mạng, người bán và người mua giao dịch với nhau qua cú nhấp chuột mà không cần biết là ai, đang ở đâu nên không xác định được phạm vi quyền để đánh giá yếu tố  xâm phạm hay không. Trường hợp phát hiện hành vi xâm phạm, các sàn thương mại điện tử hoặc các hệ thống mạng xã hội trung gian có thể khóa các tài khoản vi phạm, nhưng người có hành vi vi phạm vẫn dễ dàng và nhanh chóng mở tài khoản mới để tái diễn hành vi vi phạm bởi thực tế việc mở một tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trung gian và trên các trang mạng xã hội hiện khá dễ dàng. 

Hiện nay, pháp luật đã quy định về nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc phối hợp với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền theo quy trình công bố tại các quy chế hoạt động của sàn giao dịch. Song trên thực tế, việc thực thi gặp không ít khó khăn bởi tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử cũng không xác định được chính xác người đứng sau các tài khoản kinh doanh đang có hành vi vi phạm là ai, ở đâu, nguồn kho hàng đặt ở địa điểm nào. Ngoài ra, quy định việc hậu kiểm và xử lý các doanh nghiệp không kinh doanh thực tế tại địa chỉ trụ sở đăng ký còn lỏng lẻo và chưa có quy định, cơ chế thống nhất thực thi nên các tài khoản kinh doanh trên sàn thương mại điện tử khi xảy ra vi phạm, việc truy tìm rất khó khăn do các tài khoản đã không còn ở địa chỉ đăng ký dẫn đến gặp khó trong việc thực thi pháp luật và xử lý xâm phạm, cũng như cho chính chủ sở hữu khi muốn tự bảo vệ quyền lợi của mình.

* Nâng cao ý thức người tiêu dùng

Bà Yoshino Sachiyo, Trưởng Bộ phận Hợp tác quốc tế, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) nhấn mạnh tại hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử”: Thực tế, hình ảnh thể hiện trên các trang thương mại điện tử rất dễ làm giả hình ảnh sản phẩm chính hãng, đưa lên để quảng cáo, do đó nhiều người tiêu dùng không thực sự ý thức được sản phẩm họ đang mua và sử dụng trên các kênh thương mại điện tử là hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Tình trạng này phổ biến đối với người tiêu dùng ở độ tuổi trung niên bởi họ chưa quá quen thuộc với cách sử dụng và đề phòng trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, còn tồn tại thực trạng người tiêu dùng ý thức và nhận biết được sản phẩm hàng hóa mình mua là hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nhưng vẫn chọn mua vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp mắt mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ...  Chính điều này dẫn đến hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên các kênh thương mại điện tử vẫn được tiêu thụ nhanh, với số lượng lớn. Hành vi này của người tiêu dùng vô tình làm cho mạng lưới kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ngày càng mở rộng và phát triển trên không gian thương mại điện tử. Các quốc gia và khu vực phát triển mạnh trong thị trường thương mại điện tử như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… đã có những quy định rất chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi này. Do đó, Việt Nam cần hành động dựa trên kinh nghiệm, học hỏi từ các quốc gia khác, chọn lọc và áp dụng phù hợp với thực tế của mình để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng trên nền tảng thương mại điện tử ngày nay.

Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu, hàng hóa có chỉ dẫn nguồn gốc, Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện "Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử". Trong đó, phát triển thương mại điện tử được coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có các văn bản về thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động thương mại điện tử. Đặc biệt, chú trọng việc đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng trong thương mại điện tử để đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ./.

 

PV

Xem thêm