Sau lễ vinh danh Giải thưởng Khoa học công nghệ thường viên toàn cầu VinFuture 2024, ngày 7/12, các nhà khoa học đạt giải có buổi gặp mặt giao lưu truyền cảm hứng tại Trường Đại học VinUni, Hà Nội.
Sau lễ vinh danh Giải thưởng Khoa học công nghệ thường viên toàn cầu VinFuture 2024, ngày 7/12, các nhà khoa học đạt giải có buổi gặp mặt giao lưu truyền cảm hứng tại Trường Đại học VinUni, Hà Nội. Buổi giao lưu diễn ra với hàng trăm khán giả là sinh viên, các nhà khoa học trẻ. Tại đây, nhiều lời khuyên hữu ích cho quá trình dấn thân trong nghiên cứu khoa học đã được các chủ nhân Giải thưởng chia sẻ; trong đó, lời khuyên các “bộ óc thiên tài” đều đưa ra, đó là: “Hãy tò mò, đừng ngại hỏi; đừng sợ người khác đánh giá mình, cũng đừng ngại dấn thân vào những lĩnh vực khác biệt”.
*Đừng sợ người khác đánh giá mình
Giáo sư Kristi S. Anseth, người giành Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học Nữ với những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polyme và các phương pháp cho ứng dụng y sinh cho rằng, con đường giáo dục, nghiên cứu khoa học không hề bằng phẳng và một chiều. Bà bắt đầu nghiên cứu trong lĩnh vực kĩ thuật hóa học hướng tới giải quyết các vấn đề năng lượng, các hệ thống lọc nước. Tuy nhiên, với sự quan tâm đặc biệt đến những giải pháp cải thiện cuộc sống con người, bà chuyển sang lĩnh vực kĩ thuật y sinh. Quá trình nghiên cứu khoa học, bà nhận thấy, khi giải quyết các vấn đề cùng cộng sự có thể nảy sinh nhiều ý tưởng về đổi mới sáng tạo; từ đó có thể quyết định hướng nghiên cứu của mình.
Giáo sư Kristi S. Anseth khuyến khích các sinh viên hãy tò mò đừng ngại hỏi và đừng sợ người khác đánh giá mình. Các sinh viên nên tìm đến nhiều cố vấn, không nhất định là một mà từ nhiều lĩnh vực và nên bắt đầu nghiên cứu từ sớm.
Giáo sư Kristi S. Anseth cho biết, tại Mỹ, bà lớn lên ở vùng xa xôi, nông thôn, không có khu đô thị, không hề biết tới các kĩ sư nhà khoa học. Với lòng biết ơn sâu sắc, bà nhắc đến cơ hội gặp Giáo sư Leslie Leinwand (Giáo sư về y sinh, Đại học Colorado, Mỹ), được thấy mình trong hình ảnh của Giáo sư, được thúc đẩy vào đại học, học kĩ năng về nghiên cứu khoa học và giờ đây là Giải thưởng VinFuture.
Giáo sư Kristi S. Anseth đã tiên phong phát triển các hệ thống nuôi cấy tế bào dựa trên vật liệu sinh học để giải mã các tín hiệu của chất nền ngoại bào (ECM) trong quá trình điều hòa sự phát triển, duy trì và tái tạo mô. Giáo sư cũng tiến hành nghiên cứu cách các tế bào trao đổi thông tin với ECM, từ đó thiết kế các vật liệu sinh học có khả năng tái tạo mô, điều trị các trạng thái bệnh lý, cũng như sàng lọc thuốc.
Bà đã kết hợp sinh học phân tử và tế bào với kỹ thuật và toán học để tạo ra các vật liệu sinh học mới thay thế mô, có khả năng phục hồi, duy trì hoặc cải thiện chức năng của mô. Về khả năng kết hợp giữa nghiên cứu y sinh với vật liệu mới và trí tuệ nhân tạo (AI), Giáo sư Kristi S. Anseth cho biết, lĩnh vực nghiên cứu vật liệu cho cơ thể sống con người đang có nhiều tiến bộ nhưng mới đang trong giai đoạn khởi đầu. Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ trong khâu thiết kế, chỉnh sửa vật liệu để đáp ứng tốt hơn với tế bào sống.
*Khi ước mơ thành hiện thực
Với Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain, nhóm nhà khoa học giành Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, hai nhà khoa học đều không lựa chọn là nhà nghiên cứu y học ngay từ đầu nhưng việc trở thành nhà nghiên cứu về ung thư thực sự là “ước mơ thành hiện thực với cả hai”.
Giáo sư Carl H. June từng tham gia quân đội trước khi trở thành nhà nghiên cứu; gia đình không có ai nghiên cứu về vật lý y học. Ông cho rằng, đôi khi ta phải chấp nhận rủi ro, không hẳn có lựa chọn nào cả. Giáo sư June cũng đưa ra lời khuyên với nhà nghiên cứu trẻ, cần có 2 người cố vấn, có thể là chuyên gia trong lĩnh vực học thuật nhưng cũng có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình.
Với Giáo sư Michel Sadelain, ông cho biết, ngay từ đầu ông cũng không biết hướng đi nào là đúng. Ông học về dịch tễ nhưng sau đó bắt đầu theo đuổi nghiên cứu lĩnh vực lâm sàng. Giáo sư cho rằng, quá trình nghiên cứu cần chủ động trao đổi với sinh viên, giảng viên để khi có cơ hội giao lưu, cần tranh thủ ngay, từ đó có thể nảy ra những ý tưởng hoặc hướng đi mới.
Chia sẻ về nghiên cứu đoạt Giải, hai Giáo sư cho biết, từ Công trình đột phá của Giáo sư Zelig Eshhar (Israel) giúp cách mạng hóa phương pháp điều trị ung thư bằng việc phát triển liệu pháp tế bào CAR T, từ đó cứu sống rất nhiều bệnh nhân và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm sinh học. Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain đã tiếp tục cải tiến liệu pháp tế bào CAR T, giúp điều trị hiệu quả các bệnh ung thư và tự miễn không đáp ứng với các liệu pháp thông thường. Công trình tiên phong của họ nhận được sự phê duyệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho liệu pháp tế bào CAR T đầu tiên vào năm 2017 để điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiện nay, liệu pháp này đang được xem xét áp dụng trong chăm sóc lâm sàng trên thế giới.
Tuy nhiên, 25 năm trước, ý tưởng đó không hoàn toàn được đón chào. Họ bị coi là ảo tưởng vì liên quan biến đổi gen. “Ngay từ đầu chúng tôi đã thận trọng. Sau một vài bệnh nhân có tiến triển tích cực, đến nay, nhiều bệnh nhân đã được điều trị. Điều kì diệu đã đến. Một số căn bệnh cải thiện tích cực kể cả ung thư; thậm chí có bệnh ung thư biến mất. Hiện nay, liệu pháp CAR T đã được phát triển tại một số quốc gia châu Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. "Tôi được biết, Bệnh viện VinMec đang phối hợp với Đại học VinUni điều trị cho 15 bệnh nhân ung thư máu và Lympho bằng phương pháp tương tự CAR T. Điều này có nghĩa Việt Nam có tiềm năng phát triển những phương pháp chữa ung thư mới nhất trên thế giới”, Giáo sư June nói.
Cũng theo Giáo sư Carl H. June, quá trình nghiên cứu, phát triển liệu pháp CAR T, nhóm nghiên cứu đã khai thác tận dụng AI tự nhiên bằng cách phát hiện các phân tử protein và tối ưu hóa nó với các tế bào T cụ thể khác. “Hiện chúng tôi đã phát hiện và thiết kế các vùng tín hiệu giúp tăng cường chức năng tế bào. Đó là lĩnh vực có thể kết hợp cùng AI. Công nghệ giúp ta triển khai nghiên cứu tốt hơn; tôi hy vọng AI sẽ giúp cải thiện hơn nữa việc điều trị”.
*Đừng ngại dấn thân vào những lĩnh vực khác biệt
Tại buổi giao lưu, chủ đề "nóng" về AI cũng được hai nhà khoa học danh tiếng là Giáo sư Yoshua Bengio và Giáo sư Yann Lecun, chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2024 chia sẻ.
Nhắc lại những năm 1990 của thế kỷ XX, khi AI rơi vào giai đoạn được gọi là “mùa đông AI” - thời kỳ mà cộng đồng khoa học nghi ngờ về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo, Giáo sư Yoshua Bengio cho biết, ông và các cộng sự khi đó vẫn kiên định theo đuổi tầm nhìn dài hạn, dù không được ủng hộ rộng rãi: “Rất ít người tin tưởng vào chúng tôi, nhưng chính sự chia sẻ chung một mục tiêu đã giúp chúng tôi tiếp tục hành trình”, Giáo sư Bengio nói.
Còn với Giáo sư Yann Lecun, vào thập niên 1980 và 1990, AI không được quan tâm, thậm chí bị xem là một lĩnh vực ‘chết’. Nhưng thực tế, từ những năm 1950, các phương pháp AI đã khởi động, mặc dù "trồi sụt". Khi đó, khái niệm máy học thậm chí còn chưa hình thành rõ ràng, nhưng những bước nghiên cứu sơ khai đã đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ sau này.
Khi được hỏi về động lực trở thành nhà khoa học, cả hai vị giáo sư đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy và sự tò mò. Giáo sư Bengio khuyến khích thế hệ trẻ: “Đừng ngại dấn thân vào những lĩnh vực khác biệt. Nghiên cứu là hành trình tìm tòi, có thể không mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng điều quan trọng là cần đa dạng ý tưởng và không sợ thất bại”.
Giáo sư Lecun thì gợi ý cách tiếp cận đột phá: “Hãy tự đặt câu hỏi: Có điều gì nhân loại chưa làm được? Có điều gì AI chưa giải quyết được để đưa con người lên tầm cao mới?”.
Theo Giáo sư Lecun, những thập kỷ tới sẽ là thời đại của robot và AI. Sinh viên cần tận dụng AI để làm việc thông minh hơn, đồng thời học cách hiểu sâu các vấn đề thay vì chỉ dựa vào câu trả lời sẵn có.
Đối với việc bảo đảm an toàn khi AI ngày càng thông minh hơn, Giáo sư Lecun lạc quan: “AI chỉ là một công cụ. Chúng ta cần định hướng AI để phục vụ con người, giống như cách đã làm với máy bay - ngày càng an toàn hơn”.
Trong khi đó, Giáo sư Bengio lại cảnh báo: “Nếu chúng ta lập trình AI để bảo vệ lợi ích của chính nó, AI có thể hành xử theo cách không mong muốn. Đây là một thách thức lớn cần được giải quyết kỹ lưỡng”.
Giáo sư Bengio chia sẻ với các bạn sinh viên: “Hãy tìm cách ứng dụng AI vào cuộc sống thực tế. Khoa học cần phục vụ cộng đồng, các bạn chính là những người thực hiện điều đó”.
Vượt qua gần 1.500 đề cử ấn tượng đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, 4 công trình khoa học đã được vinh danh năm 2024. Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD được trao cho “Những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu”. Ba giải Đặc biệt vinh danh các công trình: “Sự đổi mới cải tiến vắc-xin dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển”, “Những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh” và “Sự phát triển liệu pháp tế bào CAR T để điều trị ung thư và các bệnh khác”.
Với thành công của bốn mùa giải liên tiếp, Giải thưởng VinFuture ngày càng khẳng định vị thế là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ uy tín hàng đầu thế giới. Đặc biệt, ngày càng nhiều Chủ nhân Giải thưởng VinFuture tiếp tục được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế uy tín lâu năm trên thế giới đã cho thấy tầm nhìn và tính tiên phong của VinFuture./.