Giáo sư Yann Lecun, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), người được coi là “cha đẻ” của AI, cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người.
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của Giáo sư Yann Lecun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), người được coi là “cha đẻ” của AI, tại tọa đàm “Triển khai Trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế” diễn ra chiều 4/12 tại Hà Nội trong khuôn khổ chuỗi Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”, thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.
*AI thông minh hơn là an toàn hơn
Theo Giáo sư Yann Lecun, AI hiện là công nghệ nền tảng, cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp. Các mô hình AI tiên tiến nhất hiện nay như Llama 3, GPT-4 và Gemini 1.5… không chỉ nâng cao khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà còn mở ra nhiều cơ hội ứng dụng thực tiễn, trở thành trợ thủ đắc lực cho con người trong xử lý công việc hàng ngày.
Chia sẻ vấn đề mở rộng quy mô AI để tạo ra tác động thực tiễn: Thách thức, đột phá và định hướng tương lai, Giáo sư Yann Lecun cho rằng, ở thời điểm hiện tại, công nghệ AI còn một số hạn chế, tuy nhiên, công nghệ này sẽ tốt hơn trong tương lai. Thời điểm AI phát triển gần với trí tuệ con người nhất có thể trong 10 năm tới. Hiện Meta đang nghiên cứu phát triển những ứng dụng như trợ lý hỗ trợ con người trong quá trình làm việc như việc dự đoán từ, ký tự trong thiết lập văn bản, tạo hình ảnh, lập kế hoạch… Điều cần nhất hiện nay là bổ sung kiến thức cho con người về AI. Cùng với đó, tạo nền tảng AI với mã nguồn mở, miễn phí để con người tiếp cận dễ dàng hơn với các dữ liệu; từ đó, tối đa hóa lợi ích của công nghệ AI.
“Các hệ thống AI được đào tạo dựa trên tất cả dữ liệu của thế giới, vì vậy chúng hiểu biết mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa hay hệ thống giá trị. Cuối cùng, chúng sẽ trở thành kho lưu trữ tất cả tri thức của con người. Đây là kho tàng cần được phân phối công bằng, rộng rãi để mang lại lợi ích cho mọi người”, Giáo sư Lecun nói.
Trước một bộ phận ý kiến lo ngại rằng các hệ thống AI sẽ ngày càng thông minh và có thể cạnh tranh, kiểm soát con người, Giáo sư Lecun không cho rằng việc đó sẽ xảy ra. Giáo sư Lecun rất lạc quan về tương lai của AI và tiềm năng của công nghệ này. “AI có thể trả lời mọi câu hỏi và giúp chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Đến một ngày, chúng có thể thông minh hơn con người. Nhưng chúng ta không nên bị đe dọa bởi điều đó, mà nên cảm thấy có cơ hội tận dụng AI để có cuộc sống tốt hơn. Tôi tin rằng các tổ chức và viện nghiên cứu sẽ tối đa hóa lợi ích của công nghệ AI vào những điều tốt đẹp. Chúng ta cần phải tiếp tục phát triển AI thông minh hơn, vì AI thông minh hơn là an toàn hơn”, Giáo sư Lecun nhận định.
*AI xóa nhòa rào cản ngôn ngữ
Đối với Tiến sỹ Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), nhà khoa học máy tính hàng đầu thế giới về xử lý ngôn ngữ, một thực tế đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng sâu sắc hơn trong cuộc sống là việc AI sẽ trở thành người bạn đồng hành quan trọng, giúp tối ưu hóa các công việc thường ngày của con người. “Công cụ chúng ta có từ AI sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta thực hiện những công việc hàng ngày, dù đó là nghiên cứu khoa học hay công việc văn phòng. Hiệu suất công việc tăng lên sẽ thúc đẩy hai khả năng cơ bản của con người là học hỏi và tiếp thu thông tin”, Tiến sỹ Huang cho hay.
Ngoài ra, Tiến sỹ Huang nhấn mạnh khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên của AI giúp con người mở rộng hiểu biết và diễn đạt ngôn ngữ tốt hơn. Hiện nay, AI đã có thể hiểu khoảng 200 trên 7.000 ngôn ngữ đang được sử dụng trên thế giới, trong khi con người thường chỉ sử dụng thành thạo ít hơn 5 ngôn ngữ. “AI sẽ tham gia vào quá trình cải thiện đọc hiểu và diễn đạt hiểu biết, ý tưởng của chúng ta. Tôi tin AI sẽ dần hiểu hết hàng nghìn ngôn ngữ và xóa nhòa các rào cản ngôn ngữ, kéo gần khoảng cách người với người”, Tiến sỹ Huang nói.
Cũng theo Tiến sỹ Huang, công nghệ nào cũng có ưu và nhược điểm, quan trọng là phải có cách tiếp cận cân bằng, đảm bảo sử dụng an toàn. “Chúng ta thật sự cần tận dụng AI, nhưng không hoàn toàn dựa vào nó; cần đảm bảo AI hợp tác với con người để hoàn thành công việc, đồng thời không xem nhẹ tư duy phản biện của con người”, Tiến sỹ Huang nhận định.
Chia sẻ một số ứng dụng của AI trong chăm sóc sức khỏe, Giáo sư Đỗ Ngọc Minh, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Hoa Kỳ), Trường Đại học VinUni (Việt Nam), Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture cho rằng, ở lĩnh vực này, AI có thể mở rộng và thích ứng với điều kiện từng địa phương. Tuy nhiên, cần công nghệ hiện đại và nền tảng kết nối hàng trăm trung tâm y tế với nhau trong thực hiện các công việc cơ bản như: Sinh thiết, xét nghiệm máu… hay các phác đồ điều trị phức tạp đối với các bệnh ung thư, phẫu thuật…
Do đó, AI trong chăm sóc sức khỏe cần được tận dụng hiệu quả hơn; lực lượng nhân viên y tế cũng ngày càng thích ứng hơn với công nghệ hiện đại.
Đánh giá về định hướng phát triển AI trong tương lai, Giáo sư Đỗ Ngọc Minh cho rằng, ý tưởng về AI rất nhiều nhưng khó khăn hiện nay là chưa có nguồn lực cũng như tâm lý ngại khó của nhiều đơn vị khi tiếp cận AI.
Đồng tình với quan điểm cần phổ cập AI để nhân rộng lợi ích của nó, Tiến sỹ Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI, thuộc Tập đoàn Vingroup, cho rằng, tương lai không chỉ nằm ở việc tạo ra những công nghệ AI mạnh mẽ hơn, mà còn ở việc đưa công nghệ này tới tay của tất cả mọi người. Tuy nhiên, để chạy được các mô hình AI, cần có cơ sở hạ tầng tiên tiến và tài nguyên tính toán khổng lồ. Điều này tạo ra rào cản lớn trong việc ứng dụng AI rộng rãi, đặc biệt tại các thị trường đang phát triển. Để giải quyết được bài toán này, cần có những biện pháp tối ưu hóa AI, khiến AI đủ hiệu quả, đủ gọn nhẹ để chạy tốt trên các thiết bị và trên các điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau.
“Triển khai AI trong thực tế” là một trong chuỗi 4 tọa đàm khoa học nằm trong Tuần lễ trao giải VinFuture mùa 4 năm 2024 bên cạnh các tọa đàm với chủ đề: “Vật liệu cho tương lai bền vững”; “Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ”; “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới”./.