Khoa học

Khoa học mở - cơ hội thúc đẩy hợp tác, đổi mới và công bằng trong nghiên cứu

Khoa học mở hướng tới giải quyết khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khoa học. Các mô hình công bố hiện nay chi nguồn kinh phí rất lớn cho việc mua bản quyền công bố của các nhà khoa học hay các dữ liệu, kết quả nghiên cứu…mà không được chia sẻ rộng rãi.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: nguồn Bộ KHCN 

Khoa học mở hướng tới giải quyết khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khoa học. Các mô hình công bố hiện nay chi nguồn kinh phí rất lớn cho việc mua bản quyền công bố của các nhà khoa học hay các dữ liệu, kết quả nghiên cứu…mà không được chia sẻ rộng rãi. Vấn đề này làm cho khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển càng ngày càng cách xa nhau. Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tại hội thảo "Khoa học mở: Xu hướng hiện nay và vai trò của hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy nghiên cứu tại Việt Nam".

Sự kiện được tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội. Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi ý tưởng và thúc đẩy khoa học mở tại Việt Nam, tăng cường quan hệ đối tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy khoa học mở; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như những động lực chính cho chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đồng thời, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái khoa học mở có lợi cho mọi người và thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ. 

Ông Ezra Clark, Trưởng Bộ phận chính sách khoa học, công nghệ và Đổi mới, UNESCO cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực thúc đẩy Khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở được thông qua vào năm 2021. Khuyến nghị hướng đến xây dựng các nguyên tắc và chuẩn mực cho quy định quốc tế, xác định các giá trị và nguyên tắc chung cho khoa học mở. Qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, công nghệ, kiến thức hiện có giữa các quốc gia; đề xuất một khuôn khổ pháp lý về bản quyền và dữ liệu để nâng cao hạ tầng cho nghiên cứu. Vì vậy những năm qua, UNESCO đã kết nối các bên liên quan, chia sẻ kiến thức và nâng cao nhận thức về các nguyên tắc của khoa học mở nhằm thúc đẩy phát triển khoa học mở của Việt Nam.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại Hội thảo.
Ảnh: nguồn Bộ KHCN 

Cũng tại hội thảo, ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Khoa học mở vẫn là một khái niệm mới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam nên nhận thức vẫn còn hạn chế và gặp nhiều thách thức. Đó là những thách thức như: Cân bằng tính minh bạch với bảo vệ sở hữu trí tuệ, sự tham gia hạn chế của khu vực tư nhân và thiếu các tiêu chuẩn chung cho kho lưu trữ dữ liệu nghiên cứu…Sự thay đổi chi phí xuất bản sang tác giả cũng tạo ra rào cản, đặc biệt là đối với các nhà khoa học từ các tổ chức hạn chế về nguồn lực.

Bên cạnh đó, khoa học mở mang đến những cơ hội to lớn để thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới và công bằng trong nghiên cứu. Do đó thông qua kinh nghiệm quốc tế, cũng như kinh nghiệm được UNESCO và Ủy ban châu Âu chia sẻ Việt Nam có thể giải quyết những thách thức này và tăng cường năng lực khoa học công nghệ trong thời gian tới./.

PV

Xem thêm