Phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Sau gần 40 năm Đổi mới, đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, hội nhập quốc tế, nhưng vẫn thiếu sản phẩm cạnh tranh quốc tế, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc FDI trong công nghệ cao.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước “Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, ngày 3/12 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển tổ chức Hội thảo khoa học: “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ và nhân lực trẻ trong thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và đại diện doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện Nghiên cứu Thanh niên, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đại hội XIII của Đảng khẳng định, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển bền vững, đột phá chiến lược trong chuyển đổi số. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Sau gần 40 năm Đổi mới, đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, hội nhập quốc tế, nhưng vẫn thiếu sản phẩm cạnh tranh quốc tế, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc FDI trong công nghệ cao. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm đa số, còn hạn chế về nhân lực khoa học công nghệ, chưa khai thác hết tiềm năng để tăng năng suất và cạnh tranh.
Theo Tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Linh, Đề tài nghiên cứu “Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học - công nghệ trẻ trong SMEs giai đoạn 2021-2030” tập trung xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn về chính sách phát triển nhân lực khoa học công nghệ; đánh giá thực trạng và yếu tố tác động đến nhân lực khoa học công nghệ trẻ; đề xuất giải pháp đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân lực khoa học công nghệ trẻ.
Chia sẻ quan điểm về ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hỗ trợ nhân lực khoa học công nghệ trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn là động lực thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như: Y tế, bán lẻ và sản xuất.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng của AI, cần có sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ đến đào tạo nhân lực. Các giải pháp đề xuất bao gồm khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho nhân lực trẻ thử nghiệm các dự án công nghệ mới.
Đại biểu Trần Thị Hoa Thơm, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của AI.
Theo đó, trước tiên, cần hoàn thiện cơ chế chính sách thông qua cải cách chế độ đãi ngộ, xây dựng môi trường làm việc cạnh tranh; đồng thời, tăng đầu tư cho nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để khuyến khích sáng tạo. Song song đó, cải cách giáo dục và đào tạo là yếu tố quan trọng nhằm tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, chuẩn hóa chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào kỹ năng số, kỹ năng thực hành thực tế.
Ngoài ra, cần phát triển thị trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ việc thúc đẩy hợp tác giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và hoàn thiện khung pháp lý cho các ngành công nghiệp mới. Cùng với đó, ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số và đào tạo lại nhân lực thông qua tổ chức các khóa học chuyên sâu về AI, dữ liệu lớn và tự động hóa; chuyển đổi mô hình lao động từ công việc phổ thông sang các ngành đòi hỏi kỹ năng công nghệ cao.
Đồng thời, cần đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, cải thiện môi trường làm việc sáng tạo và thúc đẩy hội nhập quốc tế; tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật, thu hút chuyên gia nước ngoài. Những giải pháp này sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nhân lực khoa học công nghệ trẻ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xây dựng một nền kinh tế bền vững trong kỷ nguyên 4.0.
Đề xuất giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ tập trung vào hai khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, đại biểu Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng cho rằng, đối với khu vực nhà nước, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo về vai trò của đội ngũ khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng hiện đại cho nghiên cứu và đào tạo, cải cách cơ chế tuyển dụng linh hoạt gắn với thị trường, hoàn thiện chế độ đãi ngộ dựa trên hiệu quả công việc.
Đồng thời, cần đổi mới mô hình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên sâu theo xu hướng và nhu cầu thực tiễn. Đối với khu vực ngoài nhà nước, cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài giữa các khu vực; chú trọng đào tạo nhân lực khởi nghiệp, quản trị và nghiên cứu phát triển, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Một số ý kiến cũng cho rằng, cần có chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay và đất đai để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, giáo dục và đào tạo theo chuẩn quốc tế cần được xem là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ./.