Khoa học

Khoa học và công nghệ gắn với thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Tính đến quý III/2024, đã có 26 chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện đến năm 2030; trong đó có 15 chương trình khoa học và công nghệ (KC), 5 Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn (KX) ....

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Khánh Vinh, Chủ nhiệm Chương trình KX.03/21-30 giới thiệu về Chương trình. 
Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia bắt đầu từ những năm 2000 và trải qua nhiều giai đoạn. Số lượng chương trình trong mỗi giai đoạn khác nhau tương ứng với các ưu tiên khác nhau của đất nước hoặc do việc tách, gộp hay tái cơ cấu các chương trình.

Các chương trình này do Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ) quản lý và cấp kinh phí. Hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được xây dựng để tài trợ cho các chương trình Khoa học công nghệ (KC) hoặc Khoa học xã hội và nhân văn (KX), có ảnh hưởng sâu rộng đến năng lực công nghệ và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mỗi giai đoạn của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia thường kéo dài 5 năm, tuy nhiên giai đoạn hiện tại đã tăng lên gấp đôi đến 10 năm (2021-2030).

* Tạo thuận lợi phát triển khoa học và công nghệ

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến quý III/2024, đã có 26 chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện đến năm 2030; trong đó có 15 chương trình khoa học và công nghệ (KC), 5 Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn (KX) và 6 Chương trình khoa học mới chưa có mã số.

Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Nhiệm vụ của các Chương trình KC được phê duyệt đề cao tính ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong phục vụ sản xuất và đời sống. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đều được yêu cầu đánh giá, triển khai thử nghiệm tại thực tiễn. Tính đến quý III/2024, các chương trình KC đã tạo ra 469 loại sản phẩm; 384 giải pháp, quy trình công nghệ; 90 cơ sở dữ liệu/ bộ số liệu; 60 phần mềm các loại. Các nhiệm vụ của Chương trình KX đóng góp trực tiếp hoặc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách, xây dựng cơ chế của các tổ chức. Đặc biệt, khoảng 40% đề tài đã được kiến nghị cho cấp Đảng và Nhà nước và 80% đề tài cho cấp Bộ, ngành, địa phương.

Đáng chú ý, trong giai đoạn gần nhất (2016-2020), đã có 6 Chương trình KC và 1 Chương trình KX được triển khai với 257 nhiệm vụ được phê duyệt và thực hiện. Tổng kinh phí cho các chương trình KC khoảng gần 2.000 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước đóng góp 70%, còn lại là đối ứng của tổ chức), phân bổ cho 205 nhiệm vụ với 16 dự án sản xuất thử nghiệm của các chương trình. Tổng kinh phí cho các chương trình KX giai đoạn 2016-2020 khoảng 154 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước đóng góp 70%, còn lại là đối ứng của tổ chức), phân bổ cho 52 nhiệm vụ.

Cũng theo ông Đào Ngọc Chiến, cùng với xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới, yêu cầu về hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ trong giai đoạn tiếp theo sẽ ngày càng cao, nội hàm về "đổi mới sáng tạo" sẽ ngày càng sâu sắc. Vì vậy, các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia phải gắn với thực tế cũng như góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Để thúc đẩy triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh tìm kiếm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia có tính cấp thiết, có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; các nhiệm vụ mang tính liên vùng, liên ngành, có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia…

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học và công nghệ; đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện; đánh giá, nghiệm thu; xử lý tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để nâng cao hiệu quả nghiên cứu trong phục vụ sản xuất và đời sống.

*Một số kết quả nổi bật đã được chuyển giao

Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cho biết: Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai” (Chương trình KC.08) được phê duyệt thực hiện 38 nhiệm vụ, trong đó có 23 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực phòng tránh thiên tai, 15 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực môi trường. Kết quả thực hiện Chương trình đã cung cấp nhiều giải pháp và công nghệ mới có khả năng ứng dụng trong thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường ở nước ta.

Điển hình, Hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa cho Việt Nam đã cung cấp cơ sở khoa học về các đặc trưng hoàn lưu khí quyển gây mưa lớn cho khu vực Nam Bộ, góp phần nâng cao năng lực dự báo định lượng mưa lớn tại Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ. Đồng thời, cung cấp cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu dự báo định lượng mưa và cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn. Sản phẩm của đề tài khi được chuyển giao đã cung cấp các bản tin dự báo định lượng mưa tại Khu vực Nam Bộ, cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh... góp phần vào việc ứng phó với thiên tai và phát triển kinh tế xã hội khu vực.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đã có 20 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp hoặc chấp nhận đơn (vượt gần 10% so với kế hoạch); 53 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín (vượt hơn 50% so với kế hoạch) cùng hàng trăm bài báo được đăng tải trên các tạp chí trong nước... Đặc biệt, các đề tài, dự án của Chương trình đã đề xuất được 38 nhóm giải pháp, quy trình, công nghệ mới, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tiễn trong phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường Việt Nam.

Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” (Chương trình KC.05) được phê duyệt nhiều nhiệm vụ trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu phụ gia đa năng FNT6VN cho động cơ của các nhà nghiên cứu Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Công nghệ Lọc hóa dầu (Tập đoàn Hóa chất) đã kết lại bằng một sản phẩm hoàn hảo, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải và có thể áp dụng với nhiều dạng nhiên liệu khác nhau. 

Bà Vũ Thị Thu Hà, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: Nhóm nghiên cứu xác định được 7 thành phần chính của phụ gia, trong đó mỗi thành phần đảm bảo một tính năng rất đặc thù như: có loại chất hoạt động bề mặt có vai trò phân tán pha dầu vào pha nước, có loại chất để tạo ra gốc trong quá trình cháy của động cơ…

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện chuỗi giá trị của sản phẩm phụ gia đa năng: Từ nghiên cứu, triển khai công nghệ đến thử nghiệm sản xuất, đánh giá và cuối cùng là bán hàng với sản phẩm thương mại, từ đó, có một loại phụ gia phù hợp với tất cả các loại nhiên liệu lỏng, đạt hiệu quả 10-15%, giảm phát thải 50%. Từ nghiên cứu này, bà Vũ Thị Thu Hà  cùng cộng sự đã ký được hợp đồng chuyển nhượng độc quyền khai thác thương mại phụ gia 20 triệu USD với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp Balance Life.

Kết quả của nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối” (KC.10) với ứng dụng kỹ thuật laser quang đông cũng là một trong những thành công đáng tự hào của y học Việt Nam do đội ngũ y - bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện, đánh dấu một bước tiến mới trong khám, chữa bệnh cho những thai phụ không may gặp phải hội chứng nguy hiểm trong quá trình mang song thai. Hội chứng Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) và hội chứng dải sợi màng ối (ABS) là một cấp cứu sản khoa cần được điều trị kịp thời. Tùy từng trường hợp để có các phương pháp điều trị khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe của thai phụ.

Mục tiêu điều trị là giúp cho thai phụ mang thai khỏe mạnh cho đến khi cả hai thai nhi đều có thể ra đời một cách an toàn. Thành công trong việc phẫu thuật can thiệp bào thai có ý nghĩa khoa học và nhân văn rất lớn, giúp cứu sống được cả 2 thai (60%) hoặc ít nhất 1 thai sống (80-90%), góp phần nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới; tiết kiệm ít nhất 50% chi phí điều trị cho gia đình sản phụ so với việc phải ra nước ngoài chữa trị./.

 

PV

Tin liên quan

Xem thêm