Khoa học

Đưa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu khu vực

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đạt được vị thế ngang tầm khu vực và thế giới, cần phải có đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu tương xứng.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Lý Thanh Hương-TTXVN

Ngày 2/12, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới: Thực trạng và giải pháp”. Sự kiện thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, cùng nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu và động lực then chốt để phát triển đất nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng khẳng định việc phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học, bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, là nhiệm vụ chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh quốc gia.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới: Thực trạng và giải pháp”.
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu đề cập đến Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; trong đó, yêu cầu đầu tư phát triển các cơ sở trọng điểm như Viện Hàn lâm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhằm xây dựng các trung tâm nghiên cứu ngang tầm khu vực và thế giới.

Thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm xây dựng “Đề án tăng cường năng lực, phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Đến nay, dự thảo đề án đã cơ bản hoàn thiện sau quá trình xây dựng và lấy ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp khó khăn như: Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, chính sách đãi ngộ nhân tài hạn chế, thủ tục hành chính phức tạp. Vì vậy, Hội thảo lần này là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hoàn thiện dự thảo đề án trên; từ đó, xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị các ý kiến tập trung đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của Viện Hàn lâm, nêu rõ khó khăn, nguyên nhân, và đề xuất các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực và tài chính để tháo gỡ vướng mắc, hiện thực hóa mục tiêu đề án.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, mặc dù Đảng và Nhà nước khẳng định vai trò đột phá của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng đầu tư cho khoa học xã hội và nhân văn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hầu hết các chính sách hiện nay vẫn ưu tiên khoa học tự nhiên và công nghệ, dẫn đến những khó khăn cho khoa học xã hội và nhân văn. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế từ Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy, đầu tư mạnh mẽ vào khoa học xã hội và nhân văn có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.

Giáo sư, Tiến sỹ Võ Đại Được nguyên Viện trưởng Viên Kinh tế Thế giới.
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, “Đề án tăng cường năng lực, phát triển Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” được cấu trúc thành 4 phần: Phân tích cơ sở chính trị, pháp lý, thực trạng và bài học kinh nghiệm quốc tế; quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức thực hiện với phân công nhiệm vụ và dự toán nguồn lực rõ ràng; kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh yêu cầu tinh gọn bộ máy hành chính hiện nay, Viện cần chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện Đề án, đảm bảo trình Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ.

Giáo sư, Tiến sỹ Võ Đại Được, nguyên Viện trưởng Viên Kinh tế Thế giới nhận định, để Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đạt được vị thế ngang tầm khu vực và thế giới, cần phải có đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu tương xứng. Hiện nay, số lượng các nhà khoa học xuất sắc ngày càng giảm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập chưa đủ hấp dẫn.

Giáo sư Võ Đại Được đề xuất, cần xây dựng một cơ chế rõ ràng và đột phá để thu hút nhân tài, đồng thời sửa đổi bất cập trong Nghị định 80 của Chính phủ ban hành năm 2010 quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, vốn đang tạo ra nhiều rào cản không cần thiết. Chính sách đãi ngộ cần được bổ sung để tạo sức hút mạnh mẽ, khuyến khích các nhà khoa học xuất sắc trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cần đổi mới tư duy trong việc xây dựng các chính sách, tháo gỡ những nút thắt về cơ chế và tạo môi trường làm việc thông thoáng, ưu đãi, hỗ trợ để Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà khoa học hàng đầu.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, đây là một đề án chiến lược mang tính sống còn đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Việc xây dựng một Viện Hàn lâm mới và hiện đại không chỉ cấp thiết mà còn là thời cơ quan trọng cần nắm bắt. Để đạt được mục tiêu đề án, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt thể chế, tạo điều kiện cho các sáng kiến đổi mới được phát huy...

Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất quan điểm cần xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới là nhiệm vụ chiến lược, cấp bách. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ các rào cản thể chế, cải thiện chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ chân nhân tài cũng như tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và công nghệ hiện đại. Một số đại biểu đề xuất cần đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng các tiêu chí cụ thể để định vị Viện Hàn lâm trong hệ thống nghiên cứu quốc tế, đẩy mạnh hợp tác khoa học với các nước tiên tiến, thiết lập một môi trường làm việc thông thoáng, thuận lợi phát huy tối đa năng lực sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học./.

Lý Thị Thanh Hương

Xem thêm