Với nguồn lực hạn chế, doanh nghiệp Việt định hướng tập trung phát triển trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn và đóng gói kiểm thử sản phẩm.
Sáng 3/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Chiến lược công nghiệp bán dẫn, động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội”.
Thông tin tại hội thảo cho thấy, trên toàn cầu, ngành công nghiệp bán dẫn có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và được dự báo là công nghệ sẽ thay đổi và định hình lại thế giới. Trong 10 năm tới, với tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Hiện nay, các quốc gia đang cơ cấu lại vị trí trong ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang nỗ lực để có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và thu hút nguồn vốn nước ngoài (FDI) đầu tư cho công nghiệp bán dẫn.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi những điểm chính trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Với nguồn lực còn hạn chế, các doanh nghiệp định hướng tập trung phát triển trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn và đóng gói kiểm thử sản phẩm. Phần sản xuất chip bán dẫn đòi hỏi nhiều nguồn lực mà Việt Nam chưa có điều kiện cạnh tranh.
Để phát triển công nghiệp bán dẫn về lâu dài, Việt Nam cần giải bài toán về nhân lực. Ước tính, đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư, cử nhân và đến năm 2040 cần 100.000 nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Để đạt được số lượng nhân lực này, Việt Nam xác định sẽ tập trung đào tạo lại (reskill) và đào tạo nâng cao (upskill) từ nguồn nhân lực sẵn có, dồi dào là các kỹ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, cùng lợi thế nguồn nhân lực có năng lực về STEM.
Đồng thời, Việt Nam hướng đến phát triển nguồn nhân lực theo hình thức thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn thông qua việc phát triển các trung tâm dữ liệu, hệ thống siêu máy tính phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử và các công nghệ số mới, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây; Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo, xây dựng giáo trình và nghiên cứu, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu; Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, chuyên gia cao cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử trong và ngoài nước; Nâng cao kết nối chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế để hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn; Thúc đẩy ký kết về nhu cầu nhân lực giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp bán dẫn, điện tử.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Trần Quang cho biết, là quốc gia nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, Việt Nam dễ dàng kết nối với các thị trường lớn trong khu vực như: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Điều này tạo cho Việt Nam trở thành điểm lý tưởng để thiết lập cơ sở sản xuất và phân phối bán dẫn cho khu vực. Ngoài ra, với vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc và gần Ấn Độ - 2 thị trường lớn với nhu cầu cao về sản phẩm công nghệ, Việt Nam có thể tận dụng để mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các công ty muốn tiếp cận những thị trường này. Tuy nhiên, để thu hút được đầu tư về bán dẫn, Việt Nam phải cải thiện cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ các ngành công nghiệp nói chung và đặc biệt là ngành bán dẫn.
Để thu hút được các đầu tư FDI cho bán dẫn, ông Nguyễn Trần Quang cho biết, hiện Hà Nội đang hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích thu hút đầu tư công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Hà Nội cũng tập trung cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, chú trọng phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt các khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế…
Đề xuất hướng phát triển công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Trần Thuật, nhà sáng lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn InfraSen, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đề cập đến chiến lược Việt Nam phát triển doanh nghiệp làm thuê thiết kế chip bán dẫn, tham gia vào thị trường ngách sản xuất sản phẩm chip bán dẫn và chiến lược làm thuê đóng gói. Với nguồn lực hạn chế, Việt Nam tập trung để chuyển dịch tập trung đầu tư cho phần đầu (thiết kế vi mạch), phần cuối (kiểm thử đóng gói) hơn là phần sản xuất chip bán dẫn./.
- Từ khóa:
- Bán dẫn
- Hà Nội
- Thành phố thông minh