Đoàn chuyên gia Thái Lan đã đến khảo sát một số điểm du lịch của tỉnh Bến Tre.
TTXVN - Trong hai ngày 20 - 21/9, Đoàn chuyên gia Thái Lan gồm đại diện Tổng Lãnh sự Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Hợp tác quốc tế Thái Lan (Bộ Ngoại giao Thái Lan) cùng các chuyên gia đến từ các Trường Cao đẳng quốc tế của Thái Lan, Đại học Burapha, Viện Du lịch Cộng đồng Thái Lan… đã đến khảo sát một số điểm du lịch của tỉnh Bến Tre nhằm chuẩn bị các bước triển khai Dự án "Phát triển bền vững cộng đồng ven biển dựa trên du lịch sinh thái và áp dụng triết lý kinh tế vừa đủ" trên địa bàn.
Theo đó, Đoàn đã đến huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và Chợ Lách để trải nghiệm các loại hình du lịch gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn, các hoạt động mang đậm nét văn hóa miền tây sông nước như chèo xuồng dưới tán rừng đước, bắt cua bằng lưới, nuôi hàu vùng nước lợ, tham quan làng nghề hoa kiểng Chợ Lách,… Qua các hoạt động, Đoàn đã đánh giá năng lực và tìm hiểu mong muốn của từng hộ dân, để tiếp tục định hướng, hướng dẫn người dân phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Theo đại diện Lãnh sự Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh, Dự án "Phát triển bền vững cộng đồng ven biển dựa trên du lịch sinh thái và áp dụng triết lý kinh tế vừa đủ" trên địa bàn tỉnh Bến Tre sẽ góp phần nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm cho nhân sự ngành du lịch và người dân tham gia lĩnh vực du lịch cộng đồng tại các địa bàn để có thể thích ứng với phương thức du lịch mới. Đồng thời, xây dựng kỹ năng phát triển môi trường (hệ sinh thái) du lịch cộng đồng, xây dựng kỹ năng phát triển và quản lý cả cung và cầu về du lịch cộng đồng; tăng giá trị cho các sản phẩm và dịch vụ mang bản sắc cộng đồng tại địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết: Bến Tre có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Loại hình du lịch này đã được quan tâm khai thác và đáp ứng thị hiếu của khách du lịch, từ đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, quảng bá hình ảnh và con người địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.
Sau quá trình khảo sát thực tế, nắm bắt nguyện vọng của người dân, lãnh đạo ngành Du lịch tỉnh Bến Tre mong muốn đơn vị thực hiện Dự án sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện các nội dung như khảo sát, phân tích, đánh giá tiềm năng phát triển các sản phẩm của địa phương; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân về triển khai du lịch cộng đồng và phát triển nông lâm kết hợp; hỗ trợ xây dựng điểm đón tiếp, giới thiệu hoạt động du lịch cộng đồng và bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, giúp người dân trong vùng dự án phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nét văn hóa bản địa để phát triển du lịch cộng đồng, từng bước nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên chính địa phương mình; đồng thời thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Thái Lan lên một tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu.
Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; là một trong những điểm đến sinh thái và trải nghiệm văn hóa hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đối với khách quốc tế; là điểm đến nghỉ dưỡng ngắn ngày hàng đầu khu vực đối với khách trong nước. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt từ 2.300-3.200 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 22-25%/năm, phấn đấu đóng góp trực tiếp vào GRDP đạt 6% trở lên.
Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Bến Tre trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao và thuộc tốp dẫn đầu các địa phương trong khu vực, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 3.800-6.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 24-25%/năm trở lên; đóng góp trực tiếp vào GRDP phấn đấu đạt 10%./.