Trong 10 năm, từ không có kinh nghiệm, phải nhờ giáo viên, giảng viên của các nước đến giảng dạy, sau đó là kết hợp giảng viên, giáo viên quốc tế với trong nước, đến nay Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức được các khóa huấn luyện chuyên môn rất cao.
Công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong hơn 10 năm qua đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, góp phần đắc lực vào việc chuẩn bị và triển khai thành công lực lượng Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cơ bản đạt chất lượng, hiệu quả, sát với thực tế địa bàn. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, đặc thù, yêu cầu ngày càng cao trong khi cán bộ làm công tác huấn luyện, đào tạo chưa có nhiều kinh nghiệm, nên trong quá trình tổ chức thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.
Thời gian tới, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) đặt mục tiêu phát triển thành một trong những trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình hàng đầu khu vực. Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về một số phương hướng trọng tâm để phấn đấu đạt được mục tiêu này.
Theo Đại tá Mạc Đức Trọng, ban đầu khi hai cán bộ đầu tiên triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào năm 2014, chúng ta phải mời một số tùy viên quân sự nước ngoài là đối tác của Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm. Ở những bước đi đầu tiên, chúng ta chưa tự đào tạo được nên phải nhờ đến bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, trong 10 năm từ đó đến nay, chúng ta đã tự đào tạo được các khóa cá nhân từ nguồn các cán bộ hoàn thành nhiệm kỳ công tác trở về, tùy theo vị trí đã làm nhiệm vụ để huấn luyện lại cho các đồng chí tiếp theo. Chúng ta đã áp dụng huấn luyện tiền triển khai cấp đơn vị, điều này rất khó vì phải theo hệ thống chương trình, đào tạo, giáo trình của Liên hợp quốc với rất nhiều nội dung.
“Không thể nào đưa cả một đơn vị ra nước ngoài huấn luyện được. Với việc này chúng ta đã làm rất thành công, từ các đồng chí đi cá nhân, có kinh nghiệm trở về, cùng với sự hỗ trợ của các nước khác ở vài bộ môn, bài giảng..., chúng ta đã chủ động hoàn toàn được huấn luyện tiền triển khai ở cấp đơn vị”, Đại tá Mạc Đức Trọng khẳng định.
Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng đánh giá, đây là một việc rất khó vì khi Liên hợp quốc sang kiểm tra đơn vị, họ kiểm tra chi tiết từng bài giảng, thậm chí cả cuốn sổ đăng ký học viên hằng ngày… Song chúng ta đã làm bài bản, nghiêm túc, với hệ thống hồ sơ, sổ sách rất tốt, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Liên hợp quốc về các chương trình huấn luyện. Thành công và chủ động công tác đào tạo đối với cấp đơn vị, đây là một bước tiến rất quan trọng trong huấn luyện của Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình tham gia vào lĩnh vực này.
Đối với đào tạo quốc tế, trong 10 năm, từ không có kinh nghiệm, phải nhờ giáo viên, giảng viên của các nước đến giảng dạy, sau đó là kết hợp giảng viên, giáo viên quốc tế với trong nước, đến nay Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức được các khóa huấn luyện chuyên môn rất cao, phối hợp giữa quốc tế và Việt Nam, tổ chức tại Việt Nam để đào tạo cho học viên các nước trong khu vực và quốc tế. Liên hợp quốc đã tới kiểm tra rất nhiều lần các bài giảng; quan sát, đánh giá và công nhận các giảng viên của Việt Nam. Đây là cả quá trình nỗ lực tích lũy kinh nghiệm trên thực tế và trên giảng đường của các đồng chí để có thể đạt chuẩn.
Trong những năm qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức đào tạo được rất nhiều khóa huấn luyện. Hiện nay Cục cũng đang tổ chức các khóa huấn luyện có cả học viên Việt Nam và quốc tế, giảng viên quốc tế và Việt Nam.
“Ban đầu chúng ta giảng những bài phổ thông, dần dần có những bài giảng chuyên môn rất cao. Chính các cán bộ đã đi về trực tiếp giảng những môn học liên quan đến nội dung chương trình đó. Có thể nói con đường đi đến trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình mang tầm vóc khu vực và quốc tế của Việt Nam đang hình thành và đạt kết quả tốt. Chúng ta chưa nói rằng mình đã đạt tầm vóc khu vực và quốc tế, nhưng chúng ta đang làm việc đó, đang xây dựng những khóa học có cả quốc tế tham gia mà chúng ta đứng trên bục giảng của chính mình, đưa những kinh nghiệm của Việt Nam đến với quốc tế. Đó là con đường đi đúng đắn và tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đó trong thời gian ngắn”, Đại tá Mạc Đức Trọng chia sẻ./.