Theo ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp xác định đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, cách tiếp cận và nội dung các hoạt động đối ngoại nhân dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau.
Sáng 10/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ X Đoàn Chủ tịch Liên hiệp khóa VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Chủ trì, phát biểu tại hội nghị, ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nêu rõ, ngày 29/1/2024, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ IX để tổng kết công tác năm 2023 và quyết định trọng tâm, chương trình, nội dung công tác của năm 2024. Theo Nghị quyết của Hội nghị, trong năm 2024, hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ triển khai 10 trọng tâm công tác. Trong đó, Liên hiệp tập trung củng cố, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống Liên hiệp, không chỉ Liên hiệp là cơ quan thường trực mà còn bao gồm cả các hội, các tổ chức liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo ông Phan Anh Sơn, quan điểm xuyên suốt của Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp đó là hệ thống Liên hiệp và các tổ chức thành viên chỉ có thể mạnh khi các tổ chức thành viên mạnh. Cùng với củng cố tổ chức hệ thống bộ máy, Liên hiệp quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách, điều kiện đãi ngộ, đào tạo cán bộ, tạo môi trường làm việc tốt nhất trong hệ thống.
Bên cạnh đó, Liên hiệp cũng xác định đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, cách tiếp cận và nội dung các hoạt động đối ngoại nhân dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau.
Một nội dung trọng tâm trong năm 2024 của Liên hiệp, theo ông Phan Anh Sơn đó là "vẽ lại" toàn bộ bản đồ hệ thống đối tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại nhân dân. Hệ thống đối tác của Liên hiệp bao gồm cấu phần hệ thống đối tác của các hội, các liên hiệp và của cơ quan Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Cũng trong năm nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ đẩy mạnh đổi mới cách thức triển khai công tác nghiên cứu, tham mưu công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại nhân dân và cách tiếp cận, tạo điều kiện cho các tổ chức thành viên triển khai có hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài.
Với những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm công tác trên của năm 2024, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ X này, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đề nghị các Ủy viên Đoàn Chủ tịch trao đổi, thảo luận, thống nhất 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: thay đổi nhân sự Đoàn Chủ tịch (miễn nhiệm với các Ủy viên nghỉ hưu, thôi công tác; bầu bổ sung Ủy viên Đoàn Chủ tịch); kết quả công tác 6 tháng đầu năm thực hiện các trọng tâm công tác của Liên hiệp và những giải pháp để tháo gỡ khó khăn; trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2024, trong đó có công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; báo cáo quy trình, nội dung kiện toàn nhân sự lãnh đạo của Liên hiệp.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, khắc phục khó khăn, đạt được một số kết quả tích cực; tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng; quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác đối ngoại nhân dân; Nghị quyết Đại hội VI của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Liên hiệp đã phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan tổng kết Kết luận số 98-KL/TW và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW; rà soát việc thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về đối ngoại nhân dân và Liên hiệp. Cùng với đó, Liên hiệp quan tâm củng cố hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương; tham mưu, chuẩn bị và tổ chức có hiệu quả các hoạt động giao lưu nhân dân, trong đó đáng chú ý là các chương trình đối ngoại nhân dân thuộc khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao trong nước và nước ngoài.../.