White List gồm danh sách đã được cấp phép của 301 báo, tạp chí điện tử; 1.381 trang thông tin điện tử tổng hợp và 953 mạng xã hội với đầy đủ thông tin về cơ quan cấp phép, số giấy phép, đơn vị được cấp phép, cơ quan chủ quản cũng như tên miền website.
TTXVN-Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đăng tải công khai trên website bản danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo.
Trong lần đầu tiên được xây dựng và công bố, White List gồm danh sách đã được cấp phép của 301 báo, tạp chí điện tử; 1.381 trang thông tin điện tử tổng hợp và 953 mạng xã hội với đầy đủ thông tin về cơ quan cấp phép, số giấy phép, đơn vị được cấp phép, cơ quan chủ quản cũng như tên miền website.
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể xem chi tiết White List trên trang có địa chỉ: http://abei.gov.vn của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.
Trước đó, từ tháng 5-12/2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã 3 lần công bố các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật để yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo nắm được, không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với những trang này. Tổng số website vi phạm pháp luật mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố trong năm 2022 là 171 trang.
Việc xây dựng và công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” - White List và nội dung “đen” (Black List) của Việt Nam là một trong những giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên internet. White List gồm các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động và tiếp tục được mở rộng cho các website, tài khoản, kênh nội dung đăng ký thông tin để khuyến khích nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo trên những website này.
Đồng thời, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm (bao gồm: website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng) và khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp không hợp tác quảng cáo với những đối tượng này.
Trong năm 2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường rà soát và xử lý vi phạm của các chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo xuyên biên giới như: Facebook, Google, Ad Network nước ngoài; đại lý quảng cáo, nhãn hàng, người phát hành quảng cáo Việt Nam (trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước).
Đồng thời, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông, lực lượng Công an để tổ chức đoàn thanh, kiểm tra đối với các đại lý quảng cáo và nền tảng phát hành quảng cáo có nhiều vi phạm./.