Công tác tuyên giáo của Đảng phát huy vai trò “đi trước mở đường”
Tại Đại hội toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngày 23/12, nhiều mô hình, cách làm hay của ngành Tuyên giáo thể hiện vai trò “ đi trước mở đường" trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
(TTXVN) Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 23/12, nhiều mô hình, cách làm hay trong triển khai các nội dung công tác của ngành Tuyên giáo đã được giới thiệu, nêu bật những kết quả đạt được, thể hiện rõ vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
* Thực hiện hiệu quả công tác thông tin đối ngoại kênh đảng
Năm 2022, công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, có dấu ấn mạnh mẽ.
Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn cho biết: Xác định công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng của công tác tư tưởng, đối ngoại của Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương đã tích cực đẩy mạnh triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới nội dung và phương thức triển khai trong hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, việc triển khai công tác thông tin đối ngoại trên kênh đảng đã góp phần tích cực nâng cao uy tín, vị thế của Đảng ta trên trường quốc tế; góp phần tuyên truyền về kết quả Đại hội XIII của Đảng, về chủ trương, đường lối của Đảng tới các chính đảng, đối tác, bạn bè quốc tế.
Công tác thông tin đối ngoại Đảng đã góp phần cung cấp thông tin và tăng cường nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các vấn đề đối ngoại lớn, quan trọng, nhạy cảm, phức tạp như xung đột quân sự Nga - Ukraine, Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, vấn đề Biển Đông…
Theo Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, năm 2022, Ban đã trực tiếp và phối hợp triển khai nhiều hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo chủ chốt và nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng khác của các lãnh đạo Đảng, Trung ương Đảng và của Ban.
Khi triển khai các hoạt động đối ngoại, Ban Đối ngoại Trung ương luôn chú trọng công tác thông tin đối ngoại, coi đây là một nhiệm vụ và bộ phận trong triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng. Các hoạt động đối ngoại trên kênh đảng đã góp phần tích cực trong việc thông tin cho các chính đảng, các đối tác quốc tế hiểu thêm về vị thế, vai trò của Đảng ta.
Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 1/11/2022), Ban Đối ngoại Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan xây dựng, triển khai Đề án tuyên truyền hiệu quả, các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện thông tin, bình luận toàn diện, sâu sắc, nổi bật dưới nhiều hình thức, tạo hiệu ứng dư luận tích cực trước, trong và sau chuyến thăm, góp phần nâng cao hiệu quả chuyến thăm.
“Chuyến thăm cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính giới và truyền thông quốc tế, qua đó, thành công của chuyến thăm cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao uy tín, vị thế của Đảng ta trên trường quốc tế”, ông Ngô Lê Văn nhấn mạnh.
Cũng trong năm 2022, Ban Đối ngoại Trung ương đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ công bố văn kiện Đại hội XIII bằng 7 ngoại ngữ bản in và bản điện tử.
Theo Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của các đại sứ đại diện các nước và khu vực sử dụng 7 ngoại ngữ, góp phần tích cực vào việc truyền thông, chia sẻ thông tin với bạn bè quốc tế, đặc biệt là các chính đảng và chính giới về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Đặc biệt, việc vận động một số chính đảng nước ngoài xuất bản sách, ấn phẩm thông tin, giới thiệu, tuyên truyền về đất nước, con người Việt Nam, công cuộc đổi mới của Đảng ta đã góp phần thông tin, tuyên truyền một cách khách quan về vị thế, vai trò của Đảng ta, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng với các đối tác và bạn bè quốc tế.
Để triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại nói chung và công tác thông tin đối ngoại trên kênh đảng nói riêng trong thời gian tới, ông Ngô Lê Văn cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo và giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo với nhau để kịp thời chia sẻ thông tin và nâng cao hiệu quả phối hợp.
Đồng thời, nghiên cứu cơ chế tranh thủ các đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện tuyên truyền đối ngoại cho ta, qua đó sẽ tạo sự lan toả và khách quan trong thông tin, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại.
* Phát huy vai trò người có uy tín trong công tác tuyên truyền
Từ thực tế của nhiều địa phương, việc triển khai công tác tuyên giáo của các tỉnh, thành ủy trong cả nước đã có nhiều mô hình, cách làm hay góp phần vào thực hiện có hiệu quả, phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, cùng nỗ lực chung tay xây dựng quê hương.
Từ thực tiễn của một tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, tỉnh An Giang đã các định một trong những giải pháp quan trọng, đó chính là phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết: Tỉnh luôn quan tâm chú trọng việc bổ sung người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo tham gia đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên, cộng tác viên, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở thường xuyên gắn kết với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để kịp thời tuyên truyền, vận động ngăn ngừa, xử lý các vấn đề “nhạy cảm”, “phức tạp”; không để kẻ địch, phần tử xấu tác động, lợi dụng, lôi kéo. Qua đó giúp nắm bắt, phản hồi, định hướng dư luận xã hội và công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn đạt được hiệu quả cao.
Theo ông Lê Hồng Quang, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo luôn có vị trí, vai trò quan trọng, có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng trong nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như huy động sự tham gia của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang chủ động tổng hợp, biên soạn nội dung, cung cấp thông tin tuần, với nội dung bám sát tình hình thời sự, cập nhật kịp thời các chỉ đạo mới của Trung ương, của tỉnh; những thông tin liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân… Hình thức biên soạn ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, phát hành đến đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, đài truyền thanh cấp huyện và cơ sở… thông qua các nhóm Facebook, Zalo; ngoài ra còn phát hành trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Những thông tin này luôn kịp thời đến những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để phục vụ công tác tuyên truyền.
Phát huy những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết: Tỉnh xác định tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, khẳng định vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo; đảm bảo cung cấp đầy đủ những thông tin để những người có uy tín thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền; ghi nhận, nhân rộng gương điển hình của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Đồng thời, tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và hướng trọng tâm về cơ sở, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền.
* Khắc phục triệt để tình trạng “lười học” nghị quyết của Đảng
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng là bước đầu tiên, quan trọng nhất để nâng cao nhận thức, thống nhất hành động và sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp “mạnh” nhằm từng bước khắc phục tình trạng “lười học” nghị quyết của Đảng.
Từ thực tiễn của địa phương, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh chia sẻ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và trong tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, trong đó đặc biệt coi trọng đến công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cấp ủy triển khai thực hiện.
Theo ông Phạm Hoàng Anh, sau khi các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng được ban hành, trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã cụ thể hóa thành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai học tập, quán triệt đầy đủ, kịp thời.
Các buổi học tập luôn đảm bảo về số lượng và chất lượng. Các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng được phổ biến, quán triệt đến tất cả các chi, đảng bộ, đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp như: hình thức trực tuyến, trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến và được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức. Trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện.
Để triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo và việc tổ chức học tập, triển khai thực hiện.
Ban Thường vụ các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc ký cam kết với Ban thường vụ Tỉnh ủy về tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập; yêu cầu thường trực các cấp ủy chủ trì và quản lý chặt chẽ việc nghiên cứu, học tập.
Từ các giải pháp quyết liệt trên, năm 2022, tỷ lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia học tập đông đảo, trong đó cấp tỉnh trung bình đạt 98%, cấp huyện đạt 97%, cấp cơ sở đạt 95%.
Cán bộ, đảng viên các cấp trong tỉnh đa số nêu cao ý thức học tập, với tinh thần nghiêm túc lắng nghe từng chuyên đề do các lãnh đạo Đảng, Nhà nước truyền đạt. Đối với các chi bộ, đảng bộ và cán bộ, đảng viên không học tập trực tuyến, các đơn vị tổ chức học tập trực tiếp theo đơn vị, theo cụm, nhiều chi bộ cơ quan tổ chức học ghép lớp.
Ông Phạm Hoàng Anh cho rằng, các cấp ủy cần chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng. Kết quả nghiên cứu, học tập và thực hiện chương trình hành động phải được coi là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ.'
Mặt khác, chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu và xác định rõ việc học tập nghị quyết là nhu cầu tự thân, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Trong chỉ đạo, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của bí thư cấp ủy trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức học tập, quán triệt, triển khai; phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận và cá nhân đồng chí cấp ủy.
“Đây được xem là giải pháp cơ bản, lâu dài góp phần khắc phục có hiệu quả biểu hiện “lười học” nghị quyết của Đảng, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh./.