Cử tri Bắc Giang: Mong muốn những chính sách hiệu quả hơn nữa về mua, thuê nhà ở xã hội
Việc quản lý, điều hành thị trường bất động sản và nhà ở xã hội được Quốc hội rất quan tâm vì có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống xã hội nhân dân.
Chiều 28/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Cử tri Nguyễn Văn Thành, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Bắc Giang cho biết, qua báo cáo và phiên thảo luận cho thấy việc quản lý, điều hành thị trường bất động sản và nhà ở xã hội được Quốc hội rất quan tâm. Đây là quan điểm đúng vì thị trường bất động sản và nhà ở xã hội hiện nay là thành phần có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống xã hội nhân dân. Trong khi các hệ thống pháp luật liên quan vừa được thông qua đang được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ kích thích các lĩnh vực này chuyển sang “thời kỳ mới”, mô hình phát triển khác nhiều so với trước đây.
Theo ông Thành, nhà ở xã hội là sản phẩm rất đặc thù, có yếu tố chính sách phúc lợi xã hội. Với người dân, nhà ở được coi là tài sản tích lũy, đôi khi còn được coi là tài sản để phục vụ nhu cầu thương mại,… nên việc xây dựng chính sách pháp luật là khó.
Ông cũng cho rằng, Quốc hội chưa quan tâm nhiều đến trách nhiệm của Nhà nước, nhất là sử dụng nguồn lực Nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội. Ông mong muốn qua các hoạt động giám sát này, tại các kỳ họp tiếp theo, Quốc hội sẽ quan tâm hơn các yếu tố đặc thù của sản phẩm nhà ở xã hội để có chính sách phát triển hài hòa, hiệu quả hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân có thu nhập thấp và phát huy được tính nhân văn trong điều hành của Nhà nước.
Thời gian qua, việc điều hành của Bắc Giang về thị trường bất động sản rất linh hoạt, nhất là giai đoạn khó khăn 2022-2023. Một số khó khăn do vướng mắc về chính sách pháp luật cấp địa phương đều được chính quyền quan tâm, điều chỉnh, tháo gỡ rất nhanh chóng, phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật. Một số khó khăn về luật, nghị định, thông tư cũng được UBND tỉnh phản ánh lên các cấp Trung ương và đề nghị hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, Nhà nước đưa sản phẩm bất động sản, bao gồm cả tài nguyên đất đai và công trình trên đất, thành sản phẩm thương mại, chịu tác động trực tiếp của thị trường là một vấn đề lớn cần xem xét nghiên cứu kỹ. Đây là loại hình sản phẩm chiếm hữu tài nguyên quan trọng, huy động nguồn lực lớn của xã hội cả về tài chính và trí tuệ. Nếu kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đầu tư và thương mại sản phẩm này ngoài thị trường sẽ hạn chế sức phát triển, song nếu thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều sự lãng phí và hệ lụy tiêu cực xã hội. Ông Thành mong muốn, với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Quốc hội thời gian tới sẽ quan tâm vấn đề này hơn để có những chính sách điều tiết thị trường, đảm bảo khai thác và phát huy được nguồn lực đất đai, tránh lãng phí và tiêu cực.
Theo dõi phiên thảo luận qua truyền hình, cử tri Nguyễn Trọng Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho rằng, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương thời gian qua có nhiều chỉ đạo mang tính hệ thống, xuyên suốt nhằm minh bạch và lành mạnh hóa thị trường bất động sản, nhà ở xã hội. Công tác phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân, lao động, người nghèo. Song, phát triển nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại bất cập; nơi thừa, nơi thiếu.
Tại Bắc Giang, theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh triển khai 14 dự án (11 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, 3 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp). Tuy nhiên hiện nay, đa phần các dự án đều chậm tiến độ. Một số dự án đã hoàn thành thì giá còn cao so với thu nhập của công nhân, lao động.
Do đó, ông Nguyễn Trọng Nam đề nghị, khi phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn thì việc đầu tư phát triển cần nguồn lực từ ngân sách nhà nước; cần đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm ở địa phương. Đồng thời phải khảo sát nhu cầu về mua nhà ở xã hội hay thuê nhà ở xã hội; mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội dành cho công nhân để mọi người dân đều được hưởng lợi; có chính sách cụ thể giảm thủ tục hành chính.../.
- Từ khóa:
- Bắc Giang
- mong muốn
- chính sách
- hiệu quả
- mua
- thuê
- nhà ở xã hội