Những cống hiến, hy sinh to lớn của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trực tiếp củng cố và xây đắp nên truyền thống đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Sáng 25/10, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Phát biểu khai mạc, Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, cách đây 75 năm, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và mang danh nghĩa là Quân tình nguyện.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, phát huy truyền thống của quân đội cách mạng, chủ nghĩa yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nước bạn Lào chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ vững chắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Những cống hiến, hy sinh to lớn của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trực tiếp củng cố và xây đắp nên truyền thống đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam - Một biểu tượng đoàn kết quốc tế vô sản, mẫu mực có một không hai trong lịch sử quan hệ quốc tế.
“Với tất cả sự khiêm tốn của người quân nhân cách mạng, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào khi đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Lào và có những đóng góp to lớn vào xây dựng, bồi đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào”, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Đề dẫn Hội thảo, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, những thắng lợi của liên quân Việt Nam - Lào đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào và thắng lợi vẻ vang của nhân dân ba nước Đông Dương. Những hoạt động của Quân tình nguyện đã giúp Bạn phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ kháng chiến, phối hợp chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt địch trong nhiều chiến dịch: Thượng Lào (1953), Trung Lào (1953 - 1954), Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia (1954), Thượng Lào (1954).
Theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ kháng chiến Lào, Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục giúp Lào tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ. Phương thức hợp tác giúp đỡ của Việt Nam đối với Cách mạng Lào có thay đổi so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đó là chuyển từ chế độ Quân Tình nguyện sang chế độ Quân Tình nguyện và Cố vấn quân sự (từ năm 1959 là chế độ Chuyên gia quân sự).
Sự giúp đỡ của Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã giúp cách mạng Lào giành thắng lợi trong các chiến dịch: Nậm Thà (1962), 128 và 74A (1964), Nậm Bạc (1968), Mường Sủi (1969), Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1969 - 1970), Đường 9 - Nam Lào (1971), Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (mùa mưa 1972)..., buộc Mỹ và phái hữu Lào phải ký Hiệp định Viêng Chăn (21/2/1973), tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Lào đấu tranh giành chính quyền, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975). Năm 1975, cách mạng Lào giành thắng lợi, Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự từng bước rút về nước.
Nhằm tiếp tục giúp bạn bảo vệ thành quả cách mạng, tháng 5/1976, hai bên thống nhất tổ chức Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, lấy phiên hiệu là Đoàn 576. Cùng với đó, đáp ứng đề nghị của Đảng và Chính phủ Lào, từ cuối năm 1976, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã cử một số đơn vị Quân Tình nguyện Việt Nam trở lại giúp Lào. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, căn cứ vào tình hình chính trị ở Lào đã có bước phát triển ổn định, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Lào thống nhất chuyển toàn bộ Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào về nước. Đến đầu tháng 1/1989, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã rút hết về nước.
Tại Hội thảo, với tư duy đổi mới, sáng tạo và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, phương pháp luận khoa học, các đại biểu, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử đã cùng tiếp tục luận giải thêm một số nội dung trọng tâm, trong đó nổi bật là quan điểm, đường lối quốc tế vô sản của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Lào; tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu trong sáng, thủy chung giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.
Các tham luận cũng khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lào; làm sáng tỏ quá trình hình thành, phát triển, trưởng thành của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trên tất cả các mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; phân tích, làm sâu sắc thêm những đóng góp, chiến công xuất sắc, thành tích tiêu biểu, đóng góp to lớn của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam, của liên quân Việt - Lào trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Lào...
Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, kết quả Hội thảo một lần nữa góp phần làm sâu sắc thêm tình đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin, quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái phủ nhận giá trị lịch sử, hạ thấp ý nghĩa, vai trò của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đối với Cách mạng Lào, để những giá trị lịch sử mãi trường tồn cùng sự phát triển của hai dân tộc Việt Nam - Lào./.