Những lời giới thiệu việc làm nhàn hạ có thu nhập cao, làm quen qua mạng zalo, facebook giả vờ yêu đương, rủ đi chơi hoặc dẫn về ra mắt gia đình rồi mang đi bán… là thủ đoạn không mới nhưng ngày càng biến hóa hết sức tinh vi được các đối tượng dùng để lừa phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ cả tin.
TTXVN - Là tỉnh biên giới, Lào Cai vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người. Từ năm 2012 đến hết năm 2022, tỉnh đã tiếp nhận 843 nạn nhân bị mua bán trở về; trong đó 327 nạn nhân là người địa phương. Những con số trên cho thấy, tình trạng mua bán người tại địa phương diễn ra hết sức phức tạp, cần sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan chức năng.
* Thủ đoạn biến hóa tinh vi
Những lời giới thiệu việc làm nhàn hạ có thu nhập cao, làm quen qua mạng zalo, facebook giả vờ yêu đương, rủ đi chơi hoặc dẫn về ra mắt gia đình rồi mang đi bán… là thủ đoạn không mới nhưng ngày càng biến hóa hết sức tinh vi được các đối tượng dùng để lừa phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ cả tin. Chủ yếu nạn nhân bị mua bán do bị “lừa” và khi phát hiện đã ở tình trạng “khó có thể trốn thoát”.
Năm 2011, chị C.S.T. (trú huyện vùng cao biên giới Mường Khương) địu đứa con 6 tháng tuổi lên rừng kiếm củi. Trên đường đi, chị gặp một người đàn ông đứng tuổi. Hắn vồn vã hỏi chuyện chị như đã quen biết từ lâu. Sau đó, hắn còn nhiều lần đến tận nhà chị vẽ ra cuộc sống tốt đẹp ở bên kia biên giới với việc nhẹ, lương cao. Nhẹ dạ, chị T. đã đi theo người đàn ông này và đó là khởi đầu của những chuỗi ngày đen tối, ê chề. Chị T. cho biết, chị vẫn còn may mắn hơn nhiều người bởi một năm sau đó, lợi dụng sơ hở của bọn chúng, chị đã trốn thoát. Trên đường, chị được nhiều người tốt giúp đỡ. Đến Việt Nam, chị được lực lượng chức năng đưa về nhà.
Năm 2012, Nguyễn Thị N (sinh năm 1998, quê Ninh Bình) quen một bạn trai qua facebook. Sau một thời gian ngắn biết nhau trên mạng, hắn chiếm được cảm tình của N bằng những lời hứa hẹn. Do đó, chị đồng ý cùng hắn lên Lào Cai chơi. Sau đó, N bị bạn trai bán sang Trung Quốc, bị bọn buôn người ép làm gái mại dâm. Chị không chịu tiếp khách, chạy trốn nhưng bị bắt lại và bị đánh đập. Khi được giải cứu, trở về Việt Nam, chị phải mất một khoảng thời gian dài trị liệu tâm lý để bớt lo âu, sợ hãi và sức khỏe dần ổn định trở lại.
Giai đoạn 2012 - 2022, Công an tỉnh đề nghị, các lực lượng chức năng của Trung Quốc, Myanmar tiến hành giải cứu 40 bị hại; giải cứu khu vực nội địa 4 bị hại; tiếp nhận bàn giao của Công an các nước 368 nạn nhân. Giai đoạn này, Lào Cai khởi tố 222 vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người với 402 bị can và 456 nạn nhân bị mua bán. 100% các vụ việc xử lý bằng biện pháp hình sự.
Điểm chung của các vụ việc trên là tội phạm mua bán người có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, người môi giới, dẫn dắt. Theo bà Trần Thị Hoàn, chuyên viên Phòng Dịch vụ công tác xã hội và hỗ trợ khẩn cấp, Trung tâm Công tác xã hội Lào Cai, hầu hết nạn nhân đều là những người sống trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, chủ yếu không có việc làm, thiếu hiểu biết xã hội, nhẹ dạ cả tin.
Nguy hiểm hơn, theo nhận định của lực lượng chức năng tỉnh, xu hướng tội phạm mua bán người trong vài năm trở lại đây bắt đầu có sự thay đổi theo hướng chuyển cách tiếp cận từ trực tiếp sang gián tiếp. Chúng thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin hoặc các trang mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân, chỉ đạo, thỏa thuận mua bán, vận chuyển, giao nhận nạn nhân. Các đối tượng còn thay đổi thủ đoạn như: môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh, hướng dẫn nạn nhân tự vượt biên giới đi sâu vào nội địa Trung Quốc. Đối tượng thường hoạt động lưu động liên huyện, liên tỉnh gây khó khăn cho Cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xác minh và truy bắt do ban đầu nạn nhân tình nguyện đi theo đối tượng mua bán chứ không phải bị ép buộc.
* Phòng ngừa từ cơ sở
Chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống mua bán người, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định, địa phương đã và đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người. Tỉnh đổi mới và đẩy mạnh cả về nội dung và hình thức công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, tố giác tội phạm; tăng cường đào tạo và phát triển cho những hạt nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền cũng như phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống mua bán người nói riêng ngay tại cấp cơ sở.
Câu chuyện của chị Thào Chỉ Hoa (sinh năm 1990, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Thàng, huyện Mường Khương) là minh chứng sinh động khẳng định của tầm quan trọng của công tác phòng, chống mua bán người tại cấp cơ sở. Năm chị Hoa học lớp 8, mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau đó, chính đối tượng lừa bán mẹ chị đã liều lĩnh quay trở lại với ý định tiếp tục lừa chị và một số thành viên trong gia đình. Thủ đoạn của đối tượng là dụ dỗ chị Hoa đi gặp mẹ. Vì nhớ thương mẹ, chị đã đồng ý đến điểm hẹn ở chợ phiên Mường Khương.
Chị Hoa nhớ lại: “Một ngày trước khi đến điểm hẹn, tôi bình tâm suy nghĩ lại và thấy có một số điểm đáng ngờ như: tại sao đối tượng kia lại biết mẹ tôi đang ở đâu và nếu mẹ vẫn ở Mường Khương sao không chủ động liên lạc hay về nhà gặp các con?” Nghĩ vậy, chị đã quyết định báo Công an địa phương. Trong khi lực lượng chức năng vào cuộc, chị Hoa vẫn đến chợ như đã hẹn với người đàn ông kia. Nhờ sự thông minh, dũng cảm của chị, đối tượng đã bị tóm gọn, đường dây mua, bán người bị lật tẩy. Mẹ chị sau đó cũng được giải cứu về nhà an toàn. Chị Hoa cho biết, sau bài học đáng nhớ này, chị nhận ra phụ nữ vùng cao do kém hiểu biết nên dễ bị lừa bán.
Hiện với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Thàng, câu chuyện 20 năm trước được chị Hoa kể lại ở những buổi sinh hoạt Hội. Nhờ đó, giúp chị em cảnh giác trước chiêu trò, mánh khóe của đối tượng mua, bán người. Nếu như chục năm trước đây, ở xã Tả Thàng, mỗi năm có 5 - 6 phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, đa phần liên quan đến tội phạm buôn bán người thì giờ đây tình trạng này đã chấm dứt hoàn toàn.
Các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai dự báo, thời gian tới, tình trạng dụ dỗ lừa bán phụ nữ tiếp tục có những diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Sơn, để giảm nguy cơ người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, ngoài tăng cường công tác truyền thông ở cơ sở, Sở chú trọng việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống tội phạm mua bán người, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt trong công tác bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới.
Thời gian tới, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chủ động tăng cường phối hợp chặt chẽ triển khai các biện pháp quản lý, nắm bắt tình hình trên địa bàn, đặc biệt là vùng biên giới; tập trung kiểm soát các đường mòn, lối mở, đường đò, kịp thời ngăn chặn các đối tượng trước khi đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài; thường xuyên trao đổi thông tin về đối tượng, địa bàn, nạn nhân để phối hợp giải cứu nạn nhân và đấu tranh, triệt phá.
Các cơ quan tư pháp đẩy mạnh tiến độ điều tra vụ án, nhanh chóng đưa các vụ mua bán người ra xét xử, lựa chọn các vụ án điểm để xét xử lưu động, công khai nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung./.
- Từ khóa:
- Lào Cai
- mua bán người
- phòng ngừa