Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều cựu chiến binh ở tỉnh Đồng Nai còn là những tấm gương sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giúp đỡ đồng đội và bà con có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều cựu chiến binh ở tỉnh Đồng Nai dù đã trải qua khói lửa chiến tranh, khi trở về đời thường nhưng vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiên phong trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn là những tấm gương sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giúp đỡ đồng đội và bà con có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
*Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Ông Nguyễn Đình Thủy (71 tuổi) ở thôn Tân Lập (xã Phú Nghĩa) từng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước và góp sức mình vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trở về sau những năm tháng khói lửa chiến tranh, ông Thủy không chọn an nhàn mà tiếp tục cuộc chiến mới đó là chống đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no cho bản thân và cộng đồng.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Thủy về lập gia đình tại huyện Phước Long, xã Đức Hạnh (tỉnh Bình Phước cũ). Những ngày đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Với bản chất kiên cường, ý chí sắt đá của người lính, ông Thủy không lùi bước trước gian nan. Ông nỗ lực không ngừng, tích lũy kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp.
Từ hai bàn tay trắng, ông Thủy đã gây dựng được gần 20 ha đất canh tác. Với tầm nhìn chiến lược và sự cần cù, ông biến vùng đất hoang thành những vườn cây mang lại quả kinh tế cao.
Hiện 15ha đất của gia đình ông được phủ xanh bởi cây cao su, phần còn lại trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như, điều, tiêu và sầu riêng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quản lý hiệu quả, mô hình kinh tế của ông Thủy mang lại nguồn thu nhập cao. Mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng.
Ông Thủy cho biết, chiến tranh đã tôi luyện cho ông ý chí vượt khó, không ngại gian khổ. Khi trở về với cuộc sống đời thường, ông luôn tâm niệm phải làm sao để gia đình mình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Ông nghĩ, nếu mình có thể chiến đấu vì đất nước thì mình cũng có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thủy còn luôn hướng về cộng đồng. Ông đã tạo việc làm ổn định cho 7 lao động thường xuyên là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng với những công việc chủ yếu là chăm sóc và thu hoạch nông sản. Vào mùa cao điểm thu hoạch điều, tiêu, số lượng nhân công ông Thủy thuê đông hơn, giúp thêm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập, cải thiện đời sống.
Tại xã Phú Nghĩa, câu chuyện về ông Điểu Thuất (49 tuổi) ở thôn 3, người dân tộc S'tiêng, một quân nhân xuất ngũ thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phú Nghĩa cũng là một minh chứng sống động về sự vươn lên. Trong những năm qua, từ khi gia nhập Hội Cựu chiến binh, cuộc sống của gia đình ông Điểu Thuất đã khấm khá hơn nhiều.
Sau khi xuất ngũ 1 năm và lập gia đình, ông Điểu Thuất được chia gần 1,3ha đất sản xuất. Sau đó, 1ha đã được trồng cao su và đang cho thu hoạch ổn định 6 năm. Mỗi tháng, vườn cao su mang lại nguồn thu khoảng 15 triệu đồng cho gia đình. Số diện tích đất còn lại được gia đình ông trồng cây cà phê.
Ông Điểu Thuất cho biết: “Môi trường quân ngũ đã cho tôi nhiều bài học đáng quý. Về cuộc sống đời thường, tôi cố gắng làm ăn, học hỏi từ các hội viên cựu chiến binh để vượt khó, có cuộc sống ổn định hơn”.
Ngoài canh tác vườn tược, ông Điểu Thuất còn tích cực đi làm thuê, tham gia tổ an ninh trật tự địa phương, góp phần giữ gìn bình yên cho xóm làng.
*Tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo
Một trong những minh chứng sự giúp đỡ từ ông Nguyễn Đình Thủy là câu chuyện về gia đình anh Điểu Ngọc người dân tộc thiểu số S'tiêng ở thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa. Gia đình anh Điểu Ngọc có ít đất sản xuất, cuộc sống bấp bênh. Sau khi được ông Thủy nhận vào làm công việc cạo mủ cao su và một số việc khác, hai vợ chồng anh Điểu Ngọc đã có thu nhập ổn định 7 triệu đồng mỗi tháng.
Có nguồn thu ổn định, gia đình anh Ngọc góp vốn chăn nuôi lợn và mạnh dạn đầu tư trồng cây điều ghép trên mảnh vườn 0,5ha.
Anh Điểu Ngọc xúc động chia sẻ: "Nhờ có ông Thủy mà gia đình tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Giờ đây, chúng tôi đã có thu nhập ổn định, các con được đến trường đầy đủ".
Là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Phú Nghĩa, thời gian qua, ông Điểu Thuất tích cực tuyên truyền cho bà con là đồng bào dân tộc thiểu số biết cách làm ăn, đầu tư vườn cây có năng suất cao hơn.
Ông Thuất cho biết, Hội Cựu chiến binh là nơi tập hợp những người đồng chí, đồng đội, nhiều gương làm kinh tế giỏi nên đã giúp nhau phát triển kinh tế, giúp đỡ hội viên trong cuộc sống. Bản thân ông luôn học hỏi các thế hệ đi trước và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình để bà con dân tộc thiểu số có thể thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Hiện trên địa bàn xã Phú Nghĩa có 448 hội viên cựu chiến binh. Xã Phú Nghĩa hiện có một câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi. Các hội viên được Hội Cựu chiến binh duy trì, hỗ trợ; đồng thời có sự lan tỏa và phát triển thêm số lượng các hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Hội còn thực hiện các chương trình để nhân rộng điển hình tiên tiến về hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con.
Ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Nghĩa cho biết, những gương hội viên tại xã Phú Nghĩa đã và đang phát huy mạnh mẽ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Họ không chỉ thể hiện ý chí kiên cường vượt khó để làm giàu cho gia đình mà còn là những người tiên phong giúp đỡ những số phận yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Những cá nhân trên là tấm gương sáng để thế hệ sau noi theo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Những câu chuyện về cựu chiến binh Nguyễn Đình Thủy, hội viên Điểu Thuất và nhiều hội viên cựu chiến binh khác tại tỉnh Đồng Nai là minh chứng sống động cho tinh thần, nỗ lực của những người lính Cụ Hồ. Họ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng nỗ lực để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng./.