Pháp luật

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giãi bày về áp lực tăng nguồn thu ngân sách

Hà Nội

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Lê Tiến Phương cho biết, dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được triển khai trong bối cảnh đặc biệt khi Luật Đất đai 2013 vừa có hiệu lực thi hành...

Ngày 18/1, trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 đồng phạm, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng nêu và đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ để Tòa xem xét, cho các bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo Lê Tiến Phương (sinh năm 1957, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (từ năm 2010 - 2015), nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận) khai báo trước tòa, ngày 17/1/2025. 
Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Lê Tiến Phương cho biết, dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được triển khai trong bối cảnh đặc biệt khi Luật Đất đai 2013 vừa có hiệu lực thi hành, địa phương vừa nghiên cứu vừa thực hiện nên còn nhiều lúng túng, hạn chế ở nhiều khâu của các cơ quan chuyên môn. Trong khi đó, phương pháp xác định giá phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, kinh nghiệm của thẩm định viên về giá.

Tuy nhiên, theo bị cáo Phương, công việc của cơ quan nhà nước đều có sự phân cấp và quy định trách nhiệm của từng vị trí. Bản thân bị cáo cũng chịu sự phân cấp đó và thừa nhận mình còn hạn chế trong lĩnh vực xác định giá đất. Song, trước những áp lực trong việc thu ngân sách cũng như những áp lực thực hiện hóa mục tiêu, phải đưa dự án sớm đi vào hoạt động… đã khiến bị cáo mong muốn đẩy nhanh thực hiện với mục tiêu xây dựng khu đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống. Từ đó, dẫn đến những hành vi vi phạm như cáo trạng đã truy tố. Bị cáo Phương thừa nhận trách nhiệm và mong Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét thêm bối cảnh phạm tội để có thể đưa ra phán quyết phù hợp.

Xem xét bối cảnh xảy ra vụ án, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng nhận định, từ những năm 2014-2015, Bình Thuận là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, do vậy chủ trương thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế là chủ trương đúng đắn được nhân dân ủng hộ, trong đó có nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông. Nguồn thu lớn cho sự phát triển kinh tế của UBND tỉnh Bình Thuận thời điểm đó là nguồn thu từ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai chiếm phần quan trọng trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách Nhà nước. Bối cảnh đó đã phần nào tạo áp lực cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh nói chung và các bị cáo trong vụ án này nói riêng.

Về cùng nội dung này, phần lớn các luật sư bào chữa đều nhận định, các bị cáo trong vụ án không có chuyên môn sâu, chưa được tập huấn về Luật Đất đai 2024. Xét về tổng thể, luật sư cho rằng đây là dự án đem lại nhiều lợi ích cho người dân tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các bị cáo đã có sai phạm vì muốn đẩy nhanh tốc độ hoàn thành dự án, mong dự án sớm được triển khai. Do vậy, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát xem xét cho các bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh khách quan, không tư lợi và chỉ mong muốn phát triển kinh tế cho tỉnh nhà.

Nói lời sau cùng tại tòa, các bị cáo đều trình bày về việc mình không được hưởng lợi trong vụ án, thừa nhận nội dung như cáo trạng đã nêu, mong Hội đồng xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho họ như: Khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án, có nhiều thành tích trong công tác…giúp các bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất, sớm có cơ hội quay trở về với gia đình, đóng góp cho xã hội.

Hội đồng xét xử nghị án kéo dài, chiều 21/1, Tòa sẽ tuyên án./.

Ngô Thị Kim Anh

Tin liên quan

Xem thêm