Đa dạng các hoạt động văn hóa Phật giáo chào mừng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025
Thông qua các vật phẩm, tranh ảnh, sản phẩm tạo tác, triển lãm giới thiệu đến công chúng những nét khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản, thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Ngày 5/5, tại khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm Văn hóa Phật giáo với chủ đề chủ đề “Nơi nghệ thuật và tâm linh hội tụ” chào mừng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
Dự lễ khai mạc có: Hòa thượng, Tiến sĩ Tampalawela Dhammaratana, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV); các chư tôn đức thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện một số cơ quan, ban, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh cùng đông đảo Phật tử, người quan tâm đến văn hóa Phật giáo.
Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Triển lãm lần này là hoạt động thiết thực chào mừng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, là nơi nghệ thuật, lịch sử và tâm linh gặp nhau, thắp sáng lên chiều sâu trí tuệ và mỹ học của Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy của nền văn minh nhân loại.
Thông qua các vật phẩm, tranh ảnh, sản phẩm tạo tác, trong đó có những bảo vật đại diện cho các thời kỳ du nhập, hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, triển lãm giới thiệu đến công chúng những nét khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản, thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, triển lãm lần đầu tiên giới thiệu thông tin, mô hình 87 bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam đang được lưu giữ tại các bảo tàng, tự viện, di tích trên cả nước.
Triển lãm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo Phật tử, người yêu nghệ thuật và văn hóa truyền thống. Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo truyền thống như tượng Phật, kinh sách, mộc bản, tranh ảnh… , xuất hiện nhiều sản phẩm nghệ thuật mang phong cách hiện đại, thể hiện sự giao thoa của văn hóa Phật giáo trong đời sống văn hóa hiện đại của Việt Nam.
Họa sĩ Vũ Khắc Điệp, nghệ danh Thiên Hải, người sáng lập ra dòng tranh họa vàng 9999 trên bề mặt kim loại đã mang đến Triển lãm 10 bức tranh Phật họa vàng được sáng tác bằng phương pháp sử dụng đèn khò làm tan bột vàng, hòa với vàng nước để tạo nên những bức tranh độc đáo, có độ bền rất cao, bất chấp các yếu tố thời tiết bên ngoài.
Họa sĩ Vũ Khắc Điệp cho rằng, triển lãm Văn hóa Phật giáo lần này rất có ý nghĩa, không chỉ tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của Phật giáo Việt Nam mà còn khơi dậy tình yêu đất nước, gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc. Những bức họa vàng đức Phật của ông hướng đến chủ đề “Nơi nghệ thuật và tâm linh hội tụ”, thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật và cũng thể hiện sự trường tồn, tính kết nối của nghệ thuật văn hóa Phật giáo nói, tinh thần Phật giáo nói chung trong đời sống xã hội Việt Nam hiện đại.
Cùng ngày, Ban Văn hóa Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ thượng Đạo kỳ với kích thước 500m2 và quả cầu biểu tượng Phật giáo quốc tế cao 10m; tổ chức nghi lễ Tắm Phật truyền thống, tạo tranh cát Đức Phật đản sinh; khai mạc khu trà đạo trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tối 5/5, Ban tổ chức khai mạc Chương trình nghệ thuật Phật giáo phục vụ nhân dân được tổ chức tại Công viên Láng Le, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh./.
- Từ khóa:
- Đại lễ
- Vesak
- Phật giáo Việt Nam