Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật
Những năm gần đây, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong các nhà trường ở Hà Nội đã được triển khai tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, dần tạo dựng ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh. Các địa phương, nhà trường đều xây dựng kế hoạch triển khai xuyên suốt, thường xuyên với nhiều mô hình đa dạng. Trong đó, cao điểm là đợt tuyên truyền hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” 9/11.
Tại buổi lễ hưởng ứng năm 2024 của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục toàn diện để phát triển con người Việt Nam cả đức, trí, thể, mỹ luôn là tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Con người phát triển toàn diện trước hết phải là con người hiểu biết các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội; tôn trọng, tuân thủ pháp luật.
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc học tập và làm theo pháp luật không phải là việc một ngày. Ngành Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cần thường xuyên giảng dạy về pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh trong mỗi bài giảng, từng hoạt động. Việc học tập tuân thủ và làm theo pháp luật không phải là việc của một người, mà cần sự chung tay thực hiện, bởi pháp luật là dành cho nhiều người.
Nhắn nhủ tới các em học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tuân thủ pháp luật là cần thiết, phải thực hiện ngay từ bây giờ chứ không chờ đến khi là người lớn. Tuân thủ pháp luật không chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải thực hiện bằng hành động, không chỉ ở hoạt động chính khóa và cả các hoạt động ngoại khóa, trong sinh hoạt hàng ngày, không đợi người khác nhắc nhở mà cần tự giác thực hiện
Ngày 4/11, lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức tại Trường Trung học cơ sở Xuân Nộn.
Theo ông Đặng Việt Hà, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh, việc tổ chức "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hằng năm (9/11) sẽ góp phần giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đồng thời nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật; xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử của mỗi người, qua đó, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong cộng đồng.
"Để đạt hiệu quả cao, chúng tôi yêu cầu các nhà trường chú trọng, đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật với phương châm lấy người dân là trung tâm, chủ thể xây dựng các kênh truyền thông chính thống có nhiệm vụ định hướng xã hội, nhất là đối với giới trẻ học sinh. Đây là giải pháp quan trọng thu hút sự quan tâm của nhân dân, trước hết là các đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách nhằm giáo dục ý thức pháp luật đối với người dân và đặc biệt là học sinh, sinh viên những công dân toàn cầu, chủ nhân tương lai của đất nước", ông Đặng Việt Hà chia sẻ.
Với chủ đề liên quan đến chất cấm ma túy, phiên tòa giả định diễn ra tại Trường Trung học cơ sở Xuân Nộn đã mang lại nhiều kiến thức cho các học sinh tham dự. Em Trịnh Lê Thủy Tiên, lớp 6A6 cho biết, đây là lần đầu tiên em và các bạn được dự 1 phiên tòa như thật, thu nhận được rất nhiều kiến thức. Em Thủy Tiên cho biết, sẽ về kể lại cho mọi người trong gia đình nghe để cùng có ý thức sống theo pháp luật.
Cũng trong ngày 4/11, tại Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn (quận Long Biên), Sở Tư pháp thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Luật sư thành phố tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn Bùi Thùy Linh cho biết, hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh tại nhà trường được thực hiện thông qua mô hình “Phiên tòa giả định” với chủ đề pháp luật về an ninh mạng. Đây là mô hình mà thành phố chỉ đạo đẩy mạnh triển khai, nhất là trong đợt cao điểm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn quy định của pháp luật, các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, giúp các em có ý thức, hình thành thói quen tuân thủ pháp luật.
Tại buổi tuyên truyền, gần 2.100 học sinh Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn đã cùng trải nghiệm phiên tòa giả định với một vụ án có thật đã được luật sư biên tập về nội dung và thay đổi tên cho nhân vật. Qua phiên tòa giả định, học sinh đã hiểu thêm về quy định của pháp luật, nhất là về quy định khi sử dụng mạng internet thông qua câu hỏi giao lưu với luật sư.
Em Lê Thảo Anh, học sinh lớp 12A7, Phó Bí thư Đoàn trường chia sẻ, em đã nhiều lần được tham gia chuyên đề về phổ biến giáo dục pháp luật do nhà trường tổ chức. Lần đầu tiên được trải nghiệm phiên tòa giả định với những tình huống thực tế sẽ giúp em có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, tránh những nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng./.
- Từ khóa:
- Ngày Pháp luật Việt Nam
- phổ biến
- pháp luật
- Hà Nội